Những tuyên bố quan trọng của lãnh đạo các nước thành viên BRICS
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS đã có những tuyên bố quan trọng trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS lần thứ 15 diễn ra tại thành phố Johannesburg.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong ngày thứ làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 15 diễn ra tại thành phố Johannesburg, lãnh đạo các nước thành viên đã có những tuyên bố quan trọng.
Tổng thống Brazil Lula da Silva kêu gọi các quốc gia BRICS dẫn đầu tiến trình sáng kiến hòa bình trên toàn thế giới.
Ông da Silva cho biết sẵn sàng tham gia nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine, kêu gọi ngừng bắn và hòa bình ngay lập tức.
Theo Tổng thống Brazil, mọi người và mọi quốc gia đều xứng đáng được sống trong hòa bình và việc tìm kiếm hòa bình phải là một nỗ lực tập thể.
[Brazil kêu gọi tạo đồng tiền giao dịch chung giữa các nước BRICS]
Phái đoàn Nga tới Nam Phi do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu trong khi Tổng thống Vladimir Putin tham dự với bài phát biểu trực tuyến.
Tổng thống Putin cho biết BRICS đang nỗ lực thiết lập một thế giới đa cực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau cũng như các nguyên tắc của Liên hợp quốc.
Ông Putin kêu gọi các nước BRICS mở rộng thanh toán bằng tiền tệ quốc gia và hợp tác liên ngân hàng.
Năm 2024, Nga sẽ là nước chủ trì các hoạt động trong khuôn khổ BRICS. Ông Putin cho biết Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 tại thành phố Kazan. Ngoài ra, Nga có kế hoạch tổ chức khoảng 200 sự kiện chính trị, kinh tế và công cộng khác trong khuôn khổ năm BRICS 2024.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo và các đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này luôn ghi nhớ mục đích sáng lập khối là mang đến cho thế giới sự chắc chắn, ổn định và năng lượng tích cực hơn.
Theo ông, các nước BRICS cần tăng cường hợp tác kinh doanh và tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lan tỏa sự phát triển ra khắp thế giới để tất cả đều có thể được hưởng lợi. Đồng thời, các quốc gia BRICS nên mở rộng hợp tác chính trị và an ninh để duy trì hòa bình và ổn định khi tình hình địa chính trị ngày càng “căng thẳng.”
Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi BRICS tiếp tục đoàn kết và sẵn sàng đóng vai trò then chốt trong việc giúp ổn định thế giới. Ngoài ra, các nước BRICS nên tăng cường giao lưu nhân dân và thúc đẩy học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tán thành việc mở rộng BRICS trong bối cảnh nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối này, khẳng định tiếp tục cùng phối hợp để tăng cường tiếng nói của các nước Nam Bán cầu.
Việc mở rộng BRICS hướng tới mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn. Đồng thời, việc mở rộng sẽ giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, dịch vụ y tế và các vấn đề khác ảnh hưởng đến các nước đang phát triển.
Thủ tướng Ấn Độ cũng đề xuất các nước BRICS hợp tác thành lập Hiệp hội Thám hiểm Không gian, nhấn mạnh rằng việc tập trung vào nghiên cứu không gian và giám sát khí tượng sẽ giúp phát triển các phương pháp đo lường tiến bộ mới.
Ông cũng đề nghị nỗ lực hợp tác chung trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ cũng như đánh giá kỹ năng. Ngoài ra, các mối liên kết thương mại, quốc phòng và đầu tư cũng được nêu bật trong các cuộc thảo luận của các lãnh đạo BRICS.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết các nước BRICS cần thúc đẩy lợi ích phát triển của khu vực phía Nam Bán cầu, hoan nghênh cam kết liên tục của các nước BRICS với châu Phi trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau như tinh thần Nam Phi lựa chọn cho năm BRICS 2023 là “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác để cùng tăng tốc, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương toàn diện.”
Ông Ramaphosa cũng kêu gọi các nước công nghiệp phát triển tôn trọng cam kết hỗ trợ các hành động về khí hậu.
Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh trong một thế giới đang thay đổi, các quốc gia cần hợp tác nhiều hơn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ mới. Những thực tế này kêu gọi một cuộc cải cách cơ bản các thể chế quản trị toàn cầu để tăng tính đại diện và khả năng đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt./.