Những 'thầy thuốc' ngày đêm miệt mài 'khám chữa bệnh' cho xe buýt
Mỗi xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội đều có hồ sơ quản lý, giống như là hồ sơ bệnh án đối với con người, qua đó phương tiện sẽ được thợ sửa chữa, bảo dưỡng đúng định kỳ.
Mặt nhễ nhại mồ hôi, bàn tay lấm lem dầu mỡ, ông Sơn cùng 5 anh em công nhân của Xí nghiệp xe buýt 10-10 Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội-Transerco) đang “khám bệnh” cho 3 chiếc xe buýt đến kỳ sửa chữa, bảo dưỡng.
“Bất kỳ hư hỏng nào của chiếc xe buýt dù nhỏ nhất cũng phải được phát hiện ngay để kịp thời khắc phục nhằm đảm bảo những chuyến xe an toàn phục vụ hành khách Thủ đô,” ông Sơn nhấn mạnh.
Ngày đêm 'bắt bệnh' cho xe buýt
Gắn bó với 27 năm trong nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt, ông Nguyễn Thành Sơn (thợ bậc 6) của Xí nghiệp xe buýt 10-10 bảo luôn coi mỗi chiếc xe như là bạn. Dù có không ít lời mời gọi từ những gara sửa chữa ôtô tư nhân với mức đãi ngộ có thể khá hơn, tuy nhiên, ông Sơn chưa lúc nào nghĩ đến bỏ nghề mà vui vẻ ví von: “Anh em nhiều lúc động viên nhau rằng làm nghề thợ sửa chữa, bảo dưỡng xe buýt không khác gì những người thầy thuốc chữa bệnh. Mình không chữa cho người nhưng chữa cho xe, phải luôn cố gắng tận tâm, làm thật tốt.”
Vừa dứt lời, ông Sơn chia đầu việc cho từng thành viên. Người thì tháo từng chiếc lốp ra kiểm tra, có người chui hẳn trong gầm xe để thay dầu, soi kỹ má phanh…
Theo ông Sơn, một công nhân lành nghề làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng buýt sẽ cần khoảng 1-2 năm nếu có năng khiếu sẽ làm thành thạo. Trong quá trình làm, những “ong thợ” này luôn học hỏi các dòng phương tiện mới để tiếp cận công nghệ.
“Niềm vui lớn nhất là mỗi khi gặp ca khó, anh em thợ tập trung ‘bắt bệnh’ để tìm ra nguyên nhân, từ đó có phương án khắc phục hiệu quả. Mấy chục năm làm nghề, đến nay, nhóm thợ của Xí nghiệp xe buýt 10-10 chưa từng gặp ca nào khó đến mức phải bó tay,” ông Sơn chia sẻ với niềm tự hào.
Người thợ già lành nghề này cũng cho rằng, đội ngũ thợ sửa chữa xe buýt được kiểm tra năng định tay nghề theo hạn ngạch. Khoảng 3 năm sẽ nâng bậc thợ một lần vào tay nghề cao nhất ở Transerco lên tới bậc 6.
[Một ngày của những 'bác sỹ' chăm sóc ‘sức khỏe’ cho xe buýt ở Thủ đô]
Có thâm niên 7 năm với nghề sửa chữa xe buýt và được coi là tương đối trẻ trong nghề, anh Phạm Văn Cường, Tổ trưởng tổ máy gầm 1 của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội (Transerco) bảo rằng lái xe và bộ phận kỹ thuật, thợ sửa chữa luôn có sự trao đổi, tương tác phối hợp với nhau nhằm bảo đảm xe từ đơn vị được huy động ra tuyến an toàn, chất lượng. Với các trường hợp xe có sự cố ở trên đường, giữa các bộ phận này có sự tương tác, hỗ trợ nhau về thông tin để có thể sửa chữa, khắc phục luôn.
Với đặc thù của xe buýt là phục vụ hành khách từ sáng sớm đến đêm khuya theo biểu đồ vận hành, vì thế, những thợ sửa chữa bảo dưỡng của Xí nghiệp cũng phải chia ca chia kíp làm việc nhằm “chăm sóc sức khỏe” cho 171 xe hoạt động trên 13 tuyến.
Trong nghề này, Cường cũng như đội ngũ công nhân lái xe, nhân viên bán vé đã quen với nhịp sinh hoạt lúc dắt xe đi làm thì vợ con còn đang ngủ, hết ca về đến nhà, vợ con đều đã vào giấc nên việc ăn chung mâm cơm là hiếm hoi.
“Làm việc trong môi trường dầu mỡ độc hại, bị ảnh hưởng nhiều bởi bụi và tiếng ồn… mức thu nhập chỉgiao động từ 9-12 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, hàng trăm công nhân viên nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt vẫn chưa được hưởng phụ cấp chế độ độc hại,” anh Cường giãi bày tâm tư.
Mỗi xe đều có "hồ sơ bệnh án"
Ông Nguyễn Huy Nhiệm, Phó phụ trách gara của Xí nghiệp Xe buýt 10-10 cho biết đơn vị đang quản lý 182 xe trên 16 tuyến với 147 xe chạy thường ngày. Bình quân mỗi tháng có 100-120 lượt phương tiện vào bảo dưỡng cấp 2 (xe chạy đến 12.000km) và 220-230 lượt phương tiện vào bảo dưỡng cấp 1 (xe chạy đến 4.000km).
“Mỗi xe đều có hồ sơ quản lý, giống như là hồ sơ bệnh án đối với con người. Những lần thay thế phụ tùng, thiết bị hay số lần sửa chữa, số km vận hành của từng quả lốp… đều được thể hiện trong hồ sơ để loại bỏ những nguy cơ từ yếu tố an toàn kỹ thuật nhằm đảm bảo xe vận hành thông suốt,” ông Nhiệm khẳng định.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ của Transerco, đoàn phương tiện của Tổng công ty gồm hơn 1.000 xe buýt các loại với 8 đơn vị quản lý xe buýt (đều có ga-ra riêng) và 1 đơn vị sửa chữa tập trung là Xí nghiệp Trung đại tu. Tại Xí nghiệp này có hệ thống nhà xưởng rộng 6.000m2 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại đảm nhiệm bảo dưỡng sửa chữa từ cấp bảo dưỡng định kỳ đến trung tu và đại tu cho xe của các đơn vị.
“Phương tiện được quản lý bằng hệ thống phần mềm chuyên dụng từ Tổng công ty kết nối xuống gara của các đơn vị. Thông qua hệ thống này, phương tiện sẽ được bảo dưỡng đúng định kỳ; lý lịch bảo dưỡng sửa chữa phương tiện được cập nhật tự động, liên tục,” ông Thắng nhấn mạnh.
[Đặt mục tiêu 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng năng lượng xanh]
Cụ thể, Transerco đã ban hành quy định khung theo tiêu chuẩn về việc quản lý an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, đầu ngày trước khi đưa phương tiện ra tuyến hoạt động, lái xe phải kiểm tra đầy đủ các các quy trình, trạng thái từ khoang động cơ, lốp xe, thân vỏ xe, táp lô, khoang lái và khách, hệ thống cửa, điều hòa, phanh, tình trạng hoạt động của các thiết bị công nghệ như wifi, camera, đèn led, GPS… đều phải được hoạt động trơn tru và ổn định.
Sau đó, lái xe phải thông báo kết quả kiểm tra, các nội dung hư hỏng phát sinh (nếu có) cho nhân viên giao nhận và ký kết quả kiểm tra. Trường hợp phương tiện chưa bảo đảm an toàn kỹ thuật, tài xế phải báo cho nhân viên giao nhận phương tiện để sửa chữa hoặc bố trí phương tiện thay thế.
“Quy trình bàn giao phương tiện giữa ca cũng như kiểm tra phương tiện cuối ngày cũng rất chi tiết. Tất cả các quy trình kỹ thuật đều phải có kiểm tra, ký nhận giữa các bộ phận liên quan nhằm kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất mọi rủi ro có thể xảy ra,” lãnh đạo Transerco nêu rõ./.