Những nguyên nhân giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trước bà Kamala Harris
Phân tích thắng lợi của ông Trump, các chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông đề xướng trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền.
Khi lịch sử gọi tên ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tổ chức ngày 5/11, nhiều chuyên gia cho rằng điều này không có gì bất ngờ mà là một thắng lợi được dự báo trước với ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.
Điều đó cũng dọn đường để cựu Tổng thống Trump quay lại Nhà Trắng, trở thành ông chủ thứ 47 vào đầu năm tới.
Phân tích thắng lợi của ông Trump, các chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông đề xướng trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền.
Tái đắc cử là sự ghi nhận của cử tri đối với những chính sách của chính quyền Trump 1.0 như xây dựng bức tường biên giới ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp; cắt giảm thuế để thúc đẩy phát triển kinh tế; tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; yêu cầu các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng, giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga; thực hiện chiến thuật “gần gũi” về ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhằm duy trì quan hệ hòa bình, ổn định quốc tế lâu dài; rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ Tehran, đảm bảo sự ổn định của khu vực Trung Đông, khác hẳn với tình hình hỗn loạn hiện nay.
Các chuyên gia cũng đưa ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, ông Trump thu hút được sự ủng hộ của một liên minh đa dạng.
Tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump trên thực tế thường cao hơn kết quả các cuộc thăm dò vì nhiều người bày tỏ ủng hộ một cách kín đáo, không nhận trả lời phỏng vấn, không tham gia khảo sát do không muốn bị “chụp mũ” là MAGA (phong trào "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại").
Nhiều người trong số này có thể không ưa ông Trump về mặt tính cách cá nhân, nhưng chính sách của ông về cơ bản đã được định hình sau 8 năm qua, rất thực dụng, mang lại lợi ích cụ thể cho nước Mỹ nên được ủng hộ.
Nền tảng hậu thuẫn hùng hậu của ông Trump bao gồm các nhóm đối tượng như cử tri bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa; cử tri dân túy và phản đối giới tinh hoa; người lao động, đặc biệt là ở vùng nông thôn hoặc khu công nghiệp cũ; tín đồ Cơ đốc giáo Phúc âm và cử tri tôn giáo bảo thủ; người theo chủ nghĩa dân tộc và quan tâm vấn đề nhập cư; người theo chủ nghĩa tự do và ủng hộ quyền sở hữu súng; chủ doanh nghiệp nhỏ và doanh nhân; cử tri lớn tuổi và ủng hộ các giá trị truyền thống; quân đội và cựu chiến binh; những người phản đối văn hóa “thức tỉnh” (thái độ “thông thoáng” về chủng tộc, giới tính và chính trị bản sắc).
Đặc biệt, ông Trump được sự ủng hộ của một số nhân vật nổi tiếng, trong đó có tỷ phú Elon Musk - nhà tài trợ chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của ông, với những cách tiếp cận gây tranh cãi như treo thưởng 1 triệu USD cho cử tri ở bang chiến trường.
Về mặt khách quan, đối thủ của ông Trump là bà Kamala Harris chưa đưa ra một chương trình nghị sự chính sách cụ thể, mà chủ yếu dựa trên nền tảng chính sách của chính quyền Biden-Harris và chưa thấy những dấu ấn riêng.
Chủ trương thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh của ông Trump đã khiến các đồng minh đóng góp quốc phòng nhiều hơn, giúp các liên minh và an ninh chung của Mỹ được cải thiện.
Trong khi đó, các chính sách của chính quyền Biden-Harris không làm cho các liên minh của Mỹ mạnh hơn. Những cam kết thúc đẩy dân chủ của Phó Tổng thống Harris và đảng Dân chủ chưa mang lại sức thuyết phục để cử tri dồn phiếu cho bà.
Thất bại của bà Harris trong kỳ bầu cử lần này cho thấy nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho một nữ tổng thống da màu đầu tiên. Mặc dù vậy, đây có thể được coi như một cuộc tập dượt giúp bà tích lũy kinh nghiệm để có thể chính thức đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào 4 năm tới, thay vì trong vai trò một “nhân vật đóng thế.”
Theo giới phân tích, trên cương vị chủ nhân mới của Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ tiến hành những điều chỉnh chính sách theo hướng phủ nhận di sản của chính quyền tiền nhiệm, tiếp tục những phần việc còn đang dang dở trong nhiệm kỳ đầu cách đây 4 năm.
Về chính sách kinh tế trong nước, ông Trump cam kết cắt giảm thuế cho cá nhân và giảm bớt các quy định tài chính. Theo đó, chính quyền mới có thể xem xét gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017 đối với các cá nhân (sắp hết hạn vào năm 2025), đề xuất giảm thuế suất doanh nghiệp từ 21% xuống 15%.
Ưu tiên chi tiêu có thể thay đổi, đáng chú ý nhất là từ an sinh xã hội sang an ninh biên giới. Ngoài ra, chính quyền mới có thể sẽ thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa mạnh hơn, nới lỏng kiểm soát tiền tệ, thu hút đầu tư, ưu tiên dịch chuyển về trong nước.
Về chính sách năng lượng, ông Trump có thể sẽ nhanh chóng chấm dứt việc tạm dừng cấp phép xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà Tổng thống Biden đã triển khai, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống, xem xét lại các tiêu chuẩn về hiệu suất của phương tiện được thiết kế nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô chuyển đổi nhanh hơn sang sản xuất ô tô và xe tải chạy bằng pin.
Ngoài ra, ông có thể sử dụng các khoản ưu đãi thuế trị giá khoảng 400 tỷ USD trong Đạo luật giảm lạm phát (IRA) cho các mục đích khác như mở rộng chương trình “Cắt giảm thuế và Việc làm,” dự kiến hết hạn vào năm 2025. Đồng thời, ông có thể một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Về nhập cư, ông Trump có khả năng sẽ áp dụng các chính sách nhập cư cứng rắn, tìm cách giảm bớt số lượng người nhập cư vào Mỹ, tăng cường trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Theo cam kết tranh cử, ông có thể tiến hành chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử, áp dụng lại các chính sách trong nhiệm kỳ đầu như Chương trình ở lại Mexico và Tiêu đề 42, mở rộng các lệnh cấm du lịch từ các quốc gia có đa số người Hồi giáo, tìm cách chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh ra đối với những người sinh ra ở Mỹ mà cha mẹ cư trú bất hợp pháp.
Về chính sách đối ngoại, chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ quay trở lại “Nước Mỹ trước tiên,” tương tự trong nhiệm kỳ đầu theo chủ nghĩa biệt lập, mặc dù có thể không cực đoan như trước nhưng vẫn theo xu hướng giảm bớt quan hệ với các đồng minh, đối tác, giảm đầu tư vào các liên minh, không gắn kết hoặc tính toán lợi ích giữa các ưu tiên an ninh và kinh tế.
Theo đó, Mỹ có thể giảm bớt mức độ can dự và không đẩy mạnh vai trò của các liên minh như NATO, AUKUS, Nhóm Bộ Tứ… như trong thời kỳ người tiền nhiệm Joe Biden khi ông Trump đề cao chủ nghĩa đơn phương, coi liên minh là gánh nặng cả về chiến lược lẫn kinh tế; quan hệ với các đồng minh truyền thống như Australia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Anh… nhiều khả năng sẽ suy yếu hoặc theo hướng thực dụng, tập trung vào lợi ích kinh tế của Mỹ.
Chính sách kinh tế đối ngoại điều chỉnh theo hướng tăng cường bảo hộ trong nước, tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Mặc dù cả hai ông Trump và Biden đều có xu hướng bảo hộ thương mại nhằm thu hút cử tri, nhưng ông Trump có thể sẽ sử dụng công cụ thuế quan cứng rắn và rộng hơn, đặc biệt tập trung vào Trung Quốc thông qua tăng thuế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao.
Về cuộc chiến Ukraine, ông Trump có thể đảo ngược chính sách với Kiev, đặt điều kiện viện trợ, đưa Nga-Ukraine vào bàn đàm phán theo hướng Kiev phải từ bỏ một phần lãnh thổ và không gia nhập NATO.
Chính sách của ông Trump đối với Nga cũng không rõ ràng và có thể thay đổi khi ông muốn bình thường hóa quan hệ với Moskva, dù hiện đang bị các đạo luật liên quan hạn chế và trói buộc.
Với NATO, Tổng thống Trump muốn các nước thành viên tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng.
Với Trung Quốc, chính quyền mới tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, nhưng có thể điều chỉnh nếu Bắc Kinh nhượng bộ và có thỏa thuận cụ thể.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung kéo dài, ông Trump có lẽ không muốn ngăn chặn hoặc lôi kéo xây dựng liên minh chống Trung Quốc, mà chỉ tập trung vào cạnh tranh kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng, áp đặt thêm thuế quan bảo hộ để có được các thỏa thuận mang lại lợi ích thiết thực cho Mỹ.
Với Trung Đông, chính quyền của ông Trump tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Israel trong cuộc chiến với Iran và các lực lượng khác trong khu vực như Hamas, Houthi, Hezbollah.
Nhiều khả năng ông Trump sẽ duy trì chính sách của chính quyền tiền nhiệm như gây sức ép đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vận động đạt được lệnh ngừng bắn, kêu gọi giải pháp hai nhà nước để giảm thiểu phản đối trong nước.
Ngoài ra, ông có thể cứng rắn hơn trong xử lý các vấn đề nội bộ như sử dụng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, không hoan nghênh quan điểm bài Do Thái.
Tất cả những chính sách trên của ông Trump đều hướng tới xây dựng “Nước Mỹ trước tiên” và khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ một lần nữa định hình Xứ cờ hoa trong 4 năm tiếp theo./.