Những nét độc đáo trong phong tục đón Tết của người dân tộc Mường
Tết Năm mới của người Mường là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa, mang tính nhân văn cao cả được người Mường lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một phong tục, nghi lễ, trang phục đón Tết riêng, nhưng tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong Năm mới được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.
Tết Năm mới của người Mường là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả hiện vẫn được lưu giữ và truyền lại cho mai sau.
Theo quan niệm truyền thống, người Mường ở bốn vùng Mường lớn tại Hòa Bình gồm Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), Mường Động (Kim Bôi) bắt đầu đón Tết Năm mới (theo cách gọi của người Kinh là Tết Nguyên đán) từ ngày 27 tháng Chạp của năm cũ đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng của Năm mới.
Thông thường vào giữa hay nửa cuối tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt đầu chặt nứa hay cây giang loại bánh tẻ về để tước, chẻ lạt gói bánh chưng, làm cặp nướng thịt... Việc trồng cây nêu cũng được các gia đình trồng ngay cạnh ngõ ra vào, trong sân hay phía trước nhà.
Người Mường có tục ngày 27 tháng Chạp, toàn bộ con cháu, nhất là nam giới vào khu mồ mả tổ tiên để dọn dẹp, phát quang cây, sửa sang các phần mộ, đắp đất thêm cho những ngôi mộ bị sạt lở.
Theo tục lệ của người Mường, nếu không có gì bất thường xảy ra như tang ma, biến động lớn trong mồ mả, một năm người Mường chỉ vào trong các khu mộ của gia đình vào Tiết Thanh minh và ngày 27 tháng Chạp Âm lịch. Đây cũng là ngày người Mường kể, nói về dòng tộc, dòng giống, gia phả với con cháu.
Ngày 27 tháng Chạp ở vùng Lạc Sơn còn gọi là ngày tha lả hay còn gọi là ngày rửa lá. Các chị em phụ nữ mang toàn bộ bát đũa, xoong, nồi, lá dong... ra sông, suối rửa sạch sẽ.
Đến ngày 28 tháng Chạp nhiều nhà bắt đầu gói bánh chưng và bánh ống.
Ngày 29 tháng Chạp theo lịch Mường được gọi là ngày chín lụn, nấu bữa cơm đoàn tụ gia đình trong năm (giống như bữa cơm tất niên của người Kinh). Đây là bữa cơm quan trọng và thiêng liêng giã từ năm cũ chuẩn bị đón chào Năm mới. Những loại thức ăn ngon vật lạ được chuẩn bị suốt một năm đều được chế biến cho bữa cơm này.
Phong tục đón Giao thừa của người Mường rất giản đơn. Nhiều nhà đánh chiêng, đánh trống, đốt pháo, con cháu đi lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên. Nước này có nhiều tên gọi khác nhau. Ở vùng Kim Bôi gọi là nước Tiên, ở vùng Lạc Sơn gọi là nước Thặng Thiên.
Ở vùng Mường Bi còn có tục gội đầu Giao thừa, thậm chí có người còn tắm trong đêm Giao thừa với ý nghĩa là gột rửa mình sạch sẽ để sang Năm mới cho mọi điều tốt lành, đẹp đẽ và may mắn hơn.
Trong các nhà lang, nhà giàu còn có tục đếm trâu, bò, lợn... Cầu mong trong Năm mới chúng sinh sôi nhiều hơn.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Mường cũng có nhiều điều khác biệt. Họ thờ đích danh chứ không thờ chung như các dân tộc khác.
Nếu như người Kinh chỉ làm một mâm cỗ, một ban thờ mời tất cả tổ tiên về đó thì người Mường lại khác. Các mâm thờ các đời của họ thường thờ đích danh. Ví dụ như mâm thờ ông, bà nội đã mất..., người Mường sắp mâm riêng và đặt lên đó 2 bát cơm, 2 bánh chưng, bánh ống, hai đôi đũa cùng các món ăn. Nếu ông nội có 2-3 bà vợ thì người Mường đặt lên tương ứng 2-3 bát cơm, đôi đũa... Việc thờ này tùy theo từng gia đình, ít nhất họ cũng thờ tới 3 đời.
Một phong tục nữa cũng rất quan trọng của người Mường trong đêm 30 đó là Lễ Khai sáng. Lễ này được cúng cả bằng lễ chay và lễ mặn. Lễ chay gồm các loại hoa quả trong vườn, càng nhiều càng tốt, để tổ tiên, thánh thần phù hộ cho mùa Xuân mới nhiều lộc, hoa, trái. Lễ mặn gồm oản, gà, thịt, bánh dầy, bánh chưng.
Đặc biệt một thủ tục không thể thiếu trong đêm Giao thừa của người Mường là Lễ Cúng ngoài trời, gồm một con cá diếc và một cái bánh chay. Sáng ra, lễ này được mang cho con trâu ăn trước, vì họ cũng quan niệm như người Kinh - "Con trâu là đầu cơ nghiệp," cho con trâu ăn trước để con trâu đi cày.
Món ăn trong ngày Tết của người Mường từ xưa đến nay không bao giờ thiếu bánh chưng và bánh dầy để biểu hiện trời tròn, đất vuông và cũng để tưởng nhớ đến vua của người Mường là Vua Lang. Gia đình nhà nào thờ cúng bao nhiêu người thì làm bấy nhiêu cái bánh chưng.
Một phong tục đặc sắc độc đáo và chỉ có người Mường mới có và còn lưu giữ được đến ngày nay là hát sắc bùa - một thể loại hát chúc tụng Năm mới.
Ngay trong ngày mồng 1 Tết, các phường bùa - đội hình diễn tấu chiêng có từ 6-12 người, trong đó có một người đứng đầu gọi là ông trùm phường, bắt đầu đi chúc Tết.
Đoàn đi đến đâu tấu chiêng sắc bùa đến đó, khi vào đến sân nhà ai ông trùm phường cất bài hát chúc Tết gia đình, chúc cho gia đình chủ nhà mạnh khỏe, sang mùa Năm mới làm ăn phát đạt, mát lành như nước, trồng lúa gặp đủ nước, chăn nuôi gia súc phát triển, làm ăn giàu có. Sau đó, gia chủ xuống sân mời phường bùa lên nhà uống chén rượu Xuân.
Ngày mùng 1, mùng 2, trẻ con Mường dắt nhau đi hàng đàn, đánh cồng rộn ràng, miệng hát sắc bùa. Đi qua nhà nào thì nhà ấy mở cửa cho trẻ ít tiền hoặc bánh.
Đi chơi ngày Tết, người Mường mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Phụ nữ Mường Bi, Mường Chậm mặc váy đen, áo trắng ngắn, cạp váy to dệt hoa văn trang nhã, đầu quấn khăn màu trắng, áo trắng phủ ra ngoài che một phần cạp váy, lấp ló chiếc yếm dệt hoa văn bên trong.
Đến ngày 7 tháng Giêng là ngày kết thúc Năm mới của người Mường. Ngày này họ tổ chức Lễ hội xuống đồng. Đây là ngày lễ lớn nhất của người Mường, là ngày đầu tiên của Năm mới họ bắt đầu công việc đồng áng.
Ngày nay, phong tục đón mừng Năm mới của người Mường cũng có một số thay đổi. Ở nhiều nơi họ cũng bắt đầu ăn Tết 23 tháng Chạp giống như người Kinh, cũng mua cá về nhà để thả, việc thờ cúng cũng gọn nhẹ hơn.
Nhiều trò chơi dân gian vẫn được tổ chức nhưng cũng có thêm các trò chơi hiện đại thu hút nhiều người tham gia./.