Những lưu ý đối với người dân khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị
Để không gặp khó khăn khi sổ hộ khẩu giấy hết hạn, người dân cần cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khẩn trương làm căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), từ ngày 1/1/2023, thực hiện Luật Cư trú 2020, người dân, các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy
Khoản 3 điều 38 Luật Cư trú quy định, kể từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Những cuốn sổ đã cấp trước đây chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.
Dù bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng cơ quan chức năng vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân. Điều khác biệt là hình thức quản lý, thay vì thủ công bằng sổ giấy như bấy lâu nay tới đây chuyển sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn.
Người dân vẫn cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, cơ quan Công an không cấp sổ giấy nữa mà sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về dân cư.
Điều này có nghĩa thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính, dân sự… Khi làm việc, cơ quan chức năng không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu mà phải khai thác thông tin ở cơ sở dữ liệu dân cư.
Như vậy, để không gặp phải khó khăn khi sổ hộ khẩu giấy hết hạn sử dụng, công dân cần lưu ý hai vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, trường hợp chưa được cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, người dân cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính kể từ ngày 1/1/2023.
Thứ hai, công dân cần khẩn trương làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Hiện nay, một số người vẫn đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số hoặc nhóm công dân đến độ tuổi làm Căn cước công dân nhưng chưa thực hiện. Điều này có thể dẫn tới khó khăn khi tới đây sổ hộ khẩu không còn giá trị. Những trường hợp này cần nhanh chóng đi làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp để bảo đảm quyền lợi, tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính không còn sổ hộ khẩu.
[Bộ Công an thông tin về việc thu sổ hộ khẩu ở thành phố Hà Nội]
Sau khi sổ hộ khẩu hết giá trị, Căn cước công dân gắn chíp chính là một trong những phương thức được sử dụng để thực hiện các thủ tục cần thiết. Thay vì phải mang rất nhiều loại giấy tờ như trước đây, người dân chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công dân, cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.
Theo Bộ Công an, đến nay, cơ quan này đã cấp hơn 76,5 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho công dân trên phạm vi toàn quốc.
Đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết từ ngày 1/1/2023, thực hiện Luật Cư trú 2020, người dân, các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước thời điểm chính thức bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử để tạo thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
"Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao (như xác nhận chứng minh nhân dân 9 số với 100%; đăng ký thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trực tuyến đạt 93,1%, cấp hộ chiếu 62%...)" - Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Ngành công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú.
Theo Cục C06, việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; đồng thời cũng tiết kiệm nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan nhà nước, góp phần giảm "tham nhũng vặt."
Thống kê cho thấy đối với việc đăng ký thi trực tuyến đã tiết kiệm 50 tỷ đồng kinh phí mua hồ sơ, ảnh thẻ cho học sinh, sinh viên, cha mẹ không phải nghỉ làm để nộp hồ sơ và giúp giảm thiểu áp lực với an toàn giao thông trong thời gian cao điểm.
"Đặc biệt, khi các dịch vụ công thiết yếu được đưa lên môi trường điện tử đã thay đổi tư duy trong phối hợp đồng hành của các bộ, ngành trong phối hợp giải quyết phục vụ nhân dân," lãnh đạo C06 đánh giá.
Đã cấp 17 triệu tài khoản định danh điện tử
Trước thời điểm bỏ hẳn sổ hộ khẩu, nhiều người dân băn khoăn về tiến độ kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các dữ liệu chuyên ngành để đưa vào phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Cục C06 cho biết đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, một doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn EVN, ba doanh nghiệp viễn thông và 35 địa phương.
Đến nay, 4 bộ, ngành đã triển khai số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận 819,3 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin, trong đó 572,9 triệu yêu cầu có thông tin đúng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, các đoàn thể khi xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên đã được hỗ trợ trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay toàn quốc đã nhập thông tin của 1,7 triệu hội viên Hội Nông dân và hơn 516.000 hội viên Hội người cao tuổi. Ứng dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế giúp phục vụ khám, chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế trên toàn quốc đã được người dân hưởng ứng và sử dụng thời gian qua.
Căn cước công dân gắp chíp tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền tại cây ATM giúp tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng, đồng thời đảm bảo xác thực chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận…
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Đây được coi là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.
C06 cho hay, tính đến ngày 22/12, hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Công tác cấp Căn cước công dân gắp chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân.
"Thẻ Căn cước công dân cùng với tài khoản định danh điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, giảm nhiều loại giấy tờ cho công dân, tạo nền tảng để triển khai các tiện ích về dịch vụ công và phát triển kinh tế-xã hội," Cục trưởng Cục C06 Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Khai thác, sử dụng dữ liệu dân cư để giải quyết thủ tục hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Điều 14 Nghị định 104 nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID; sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip; Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, Nghị định 104 nêu rõ cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.