Những luận cứ khoa học để hoạch định đường lối bước vào kỷ nguyên mới
Hội thảo khoa học “Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cung cấp những luận cứ khoa học hoạch định đường lối vào kỷ nguyên mới.
Chiều 16/10, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Hội thảo là dịp để Hội đồng Lý luận Trung ương tổng hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội để phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị thời gian tới.
Chủ trì Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Hội đồng lý luận Trung ương làm đầu mối tổ chức thực hiện cùng sự tham gia của các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giai đoạn tới.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Đại hội lần này càng có vị trí, vai trò hết sức đặc biệt, mang tính chất bước ngoặt đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc khi Đảng tròn 100 năm thành lập; đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước.
Đây cũng là thời điểm mà chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết với nền tảng phát triển của đất nước ở tầm cao mới, là dịp để khơi dậy niềm tự hào, niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm thực thắng lợi đường lối đổi mới và đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá cho giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới thay đổi.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo: “Đối với Báo cáo chính trị, cần phải đạt tầm mức công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai; không quá dài, chỉ rõ những định hướng lớn để các cấp ủy, mọi đảng viên thấm nhuần và thực hiện; thật sự là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới, sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước….”
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhấn mạnh việc Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo hết sức có ý nghĩa, khẳng định vị thế tiên phong của Đại học Quốc gia Hà Nội trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia ý kiến, cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII; cung cấp luận cứ thực tiễn trực tiếp phục vụ việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tại hội thảo, nhiều tham luận làm rõ thêm về xu hướng phát triển của cục diện thế giới, khu vực giai đoạn tới; những yêu cầu mới đặt ra đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các ý kiến, tham luận cho rằng nhiệm kỳ Đại hội XIII đã chứng kiến những diễn biến mới vô cùng phức tạp của tình hình thế giới. Những diễn biến, tình hình đó vừa tạo ra thời cơ, thuận lợi đi liền với nguy cơ, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải chủ động dự báo, nhận diện đúng đắn những yêu cầu mới đặt ra đối với xác định quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn tới.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ thực tiễn hiện nay, các nhà khoa học, chuyên gia đã thảo luận, phân tích sâu một trong những vấn đề quan trọng, mang tính thời sự của xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới, với trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến “bẫy thu nhập trung bình” trong quá trình phát triển đất nước và nêu bật tầm quan trọng của chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, tài nguyên và lao động có kỹ năng thấp sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy và tích hợp các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nguồn nhân lực vào quá trình phát triển, để bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững, thành công vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” trong giai đoạn mới.
Về chấn hưng văn hóa, quản lý phát triển xã hội, xây dựng con người phát triển toàn diện, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, một số ý kiến thảo luận đã đề xuất các định hướng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, hoán chuyển các giá trị văn hóa thành các giá trị phát triển; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa; hoàn thiện các chuẩn mực về hệ giá trị văn hóa, gia đình, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã thảo luận về những vấn đề trọng yếu quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Các ý kiến cũng làm rõ, sâu sắc hơn các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng và các nhiệm vụ xây dựng Đảng, gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phù hợp với thực tiễn mới./.