Những lợi thế khi thực hiện các dự án giao thông liên tỉnh, liên vùng
Tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, Quốc hội đã cho phép thí điểm giao cho một địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện một số dự án giao thông cụ thể trên địa bàn của 2 địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Quốc hội đã cho phép thí điểm giao cho một địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện một số dự án giao thông cụ thể trên địa bàn của 2 địa phương tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Thực tiễn triển khai cho thấy, chính sách này đã phát huy hiệu quả, giúp tăng tính chủ động, huy động, tận dụng được nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án của địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cơ chế thí điểm đã cho thấy hiệu quả, cần thể chế hóa để mở rộng áp dụng, phát huy mô hình đầu tư này hơn nữa.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giao một Ủy ban Nhân dân cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đa số địa phương đồng tình cao cho rằng, quy định này sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, tăng tính chủ động, huy động, tận dụng nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án, tăng cường kinh nghiệm, năng lực của địa phương trong quản lý thực hiện dự án.
Theo đó, các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong triển khai dự án, gắn kết chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Đồng thời, có động lực để đẩy nhanh tiến độ dự án do có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và khai thác quỹ đất lân cận dự án.
Tuy nhiên, một số địa phương cũng cho rằng, cần tiến hành sửa đổi đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan để triển khai thuận lợi quy định mới này nếu được thông qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Phan Thái Bình bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo luật lần này của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời, bổ sung thêm cần quy định rõ việc phân cấp phân cấp phân quyền trong triển khai các luật liên quan cũng như rà soát lại thẩm quyền quyết định, chi tiết từng cấp.
Đại diện Sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cũng cho hay, liên quan đến quy định: Thẩm quyền chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh với dự án 2 huyện, 2 xã cần linh hoạt trong việc phân cấp, phân quyền.
Đây cũng là nội dung mà đại diện Sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên đề xuất, đại diện của Phú Yên cũng cho rằng, thực tiễn đầu tư công, chúng ta xây dựng kế hoạch trung hạn trong 5 năm.
Tuy nhiên, việc xác định nguồn lực, ví dụ như tiền sử dụng đất giảm thu nên phải cắt giảm nguồn vốn cho dự án. Nếu không có vốn nữa thì phải kéo dài thời gian bố trí vốn ra.
Do đó, xảy ra việc một số dự án đã chuẩn bị rồi nhưng chưa thể bố trí vốn nên chậm lại hoặc một số phải dừng hẳn luôn. Thiết nghĩ, nên có mục thủ tục để dừng lại những dự án mà không thể triển khai. Hay liên quan đến thực hiện dự án, cần xem xét kỹ phân quyền khi thực hiện triển khai đề án.
Sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ ra, dự án phân cấp, phân loại dự án, đối chiếu các quy định, khó khăn trong phân loại, nghiên cứu bổ sung phân cấp dự án sử dụng nguồn vốn hỗn hợp.
Thêm nữa, cần bổ sung khái niệm vốn nhà nước ngoài đầu tư công, làm căn cứ xác định không phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất lúa; trong đó, có dự án được nhà nước giao đất và cho thuê đất.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, trong khi đó tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Nguyễn Đức Tâm cho biết: Trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính.
Đó là, thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó là, thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; và đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật./.