Những 'lát cắt' về văn hóa Việt thế kỷ 19-20 trong 'Nước Nam một thuở'
Cuốn sách tập hợp 38 bài viết bằng tiếng Pháp về đời sống văn hóa, phong tục, tập quán người Việt dưới góc nhìn của các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp.
Nói về ngày Tết cổ truyền, học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng viết: “Tôi xin đảm bảo với các bạn rằng tôi yêu Tết như một đứa trẻ. Vì tôi thấy ở đó con người sống nhân văn hơn, tốt hơn với đồng loại, hài lòng với chính mình, với mọi thứ và với mọi người” (Tết Nhâm Thân, 1932).
Trong bài viết “Ngày đầu năm mới của người An Nam,” học giả Nguyễn Văn Vĩnh miêu tả 3 ngày Tết của người Việt: “Mọi người hoan hỉ, phấn khởi, gác lại những lo lắng muộn phiền, những mối hận thù cá nhân. Ba ngày tĩnh tâm để tưởng nhớ về tổ tiên, để các linh hồn hộ mệnh của họ trở về giữa những người đang sống… Mọi người chỉ xem các chương trình vui nhộn và nghĩ đến những điều hạnh phúc, ăn uống no say, thưởng thức những món ngon phù hợp với túi tiền của mình, khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nói những điều dễ nghe nhất, trao gửi những điều ước, những lời chúc tốt đẹp nhất.”
Bài viết nói trên đã mở đầu cuốn sách “Nước Nam một thuở” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I biên soạn và chuyển ngữ từ tiếng Pháp.
Cuốn sách tập hợp 38 công trình nghiên cứu, bài viết (tiểu luận, tản văn) tiêu biểu bằng tiếng Pháp và 60 tranh ảnh phong phú về đất nước, con người An Nam đăng trên các Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam xuất bản từ năm 1894-1948.
Tác giả của những công trình này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như: Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Pierre Pasquier, Cerutti, Henry Bontoux, Paul Boudet, G. Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ...
Các nhóm chủ đề trong sách bao gồm: Phong tục ngày Tết; các nghi lễ, phong tục tập quán; các đặc điểm văn hoá; nét văn hóa của các vùng, khu vực; các danh nhân văn hóa, lịch sử.
Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, các bài viết được lựa chọn, sắp xếp, hệ thống hóa theo chủ đề và trình tự thời gian. Mỗi bài viết đều có hình ảnh minh họa, ghi rõ tác giả (nếu có), ký hiệu tra tìm, niên đại. Đối với những bài viết không có hình ảnh hoặc chất lượng hình ảnh không đảm bảo, Trung tâm đã tiến hành sưu tầm, bổ sung đồng thời ghi rõ nguồn dẫn để cuốn sách thêm phần sinh động.
Qua ấn phẩm này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hy vọng độc giả sẽ cảm nhận được trọn vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội rất riêng của đất nước, con người Việt Nam.
Độc giả sẽ được tìm hiểu chuyện ăn uống trong các tầng lớp xã hội An Nam; những tập tục như lễ động thổ, xem tuổi cô dâu-chú rể; thú chơi diều, chọi gà, chọi dế; hình thức du lịch bằng đường hàng không tại Đông Dương bắt đầu như thế nào…
Nhận xét về cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Với chức năng của một cơ quan lưu trữ quản lý khối tư liệu lịch sử phong phú bậc nhất liên quan đến thời kỳ thuộc địa, các cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tìm tòi, sưu tầm, dịch thuật, đúng với nguyên lý ‘gạn đục khơi trong’ để giới thiệu với bạn đọc những tri thức và luận điểm của các tác giả là các nhà học thuật hay nhà cai trị, là người Pháp hay người bản xứ liên quan đến những vấn đề của đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam đương thời, trong đó có cả những truyền thống xa xưa vẫn đang hiện diện trong đời sống đương đại.”
Ông Dương Trung Quốc mong rằng cuốn sách này sẽ là sự khởi đầu một chuỗi các ấn phẩm được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển chọn và giới thiệu đến với bạn đọc.
“Điều đó giúp cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I không còn chỉ là cái “kho” cất giữ mà thực sự sẽ trở thành mạch nguồn truyền trao tri thức cho cộng đồng từ những di sản của quá khứ,” ông Dương Trung Quốc khẳng định./.