Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2025
Một số chính sách có hiệu lực trong tháng 1 gồm quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú; mức trợ cấp tai nạn lao động; xe ôtô chở học sinh phải sơn màu vàng đậm.
Trong tháng 1/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực như quy định mới về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú; mức trợ cấp tai nạn lao động; quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; xe ôtô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm…
Quy định mới về giấy tờ đăng ký thường trú, tạm trú
Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP ngày 26/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trong đó, Nghị định quy định rõ từ 10/1/2025, không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân cũng như chỗ ở hợp pháp khi đăng ký cư trú.
Theo khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Nghị định 154/2024/NĐ-CP, công dân khi đăng ký cư trú chỉ cần cung cấp thông tin về chỗ ở hợp pháp, thông tin về quan hệ nhân thân. Khi đó, cơ quan đăng ký cư trú sẽ khai thác thông tin của công dân trong Căn cước điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử qua VNeID hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú…
Nếu không thể khai thác được thông tin này thì công dân cần cung cấp bản sao, bản chụp hoặc bản điện tử của một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở, quan hệ nhân thân khi được yêu cầu.
Ngoài ra, Nghị định quy định trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
Quy định về mức trợ cấp tai nạn lao động
Theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần.
Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).
Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp tai nạn lao động.
Về mức trợ cấp tai nạn lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần, trong đó suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng 4 do Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là tháng lương tối thiểu vùng 4), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng 4.
Ngoài mức trợ cấp nêu trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng 4, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng 4.
Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Thời điểm để xác định tháng lương cơ sở vùng 4 làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp (sau đây gọi tắt là thời điểm hưởng trợ cấp) được tính vào tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Nghị định cũng nêu rõ, thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng 4.
Quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
Nghị định số 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó nêu rõ xe ôtô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
Theo quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì được tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải dán phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG."
Nghị định nêu rõ Hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) hoặc xe ôtô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn 08 chỗ từ xe ôtô lớn hơn 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ôtô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
Nghị định số 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Xe ôtô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe ôtô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Đồng thời, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Xe ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2025./.