Những chính sách kinh tế mới chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2023
Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh; Sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng... là những chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2023.
Trong tháng 11/2023, một số chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế sẽ chính thức có hiệu lực như: Hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị; Quy định mới về mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh; Sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng.
Hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BXD ngày 8/9/2023 hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị.
Thông tư này hướng dẫn về nội dung, hồ sơ, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và lưu trữ chương trình phát triển đô thị; áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến chương trình phát triển đô thị.
Về nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh, Thông tư nêu rõ, nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3a Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị được bổ sung tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (gọi chung là Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị) và các quy định chi tiết sau đây:
1- Chỉ tiêu phát triển đô thị quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ đô thị hóa; số lượng đô thị, danh mục đô thị, đô thị dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và đô thị dự kiến thành lập mới theo phân loại đô thị; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh khác liên quan đến phát triển đô thị theo yêu cầu của địa phương.
2- Các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị gồm:
a) Một hoặc một số chương trình, đề án cấp quốc gia có liên quan (nếu có) và cấp tỉnh đang triển khai hoặc đề xuất mới về phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, phát triển đô thị thông minh hoặc các chương trình, đề án cấp quốc gia, cấp tỉnh khác để cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị của tỉnh;
b) Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí tổng thể và trong khung thời gian của chương trình, giai đoạn thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình, đề án quy định tại điểm a khoản này.
[Chính sách mới từ 1/10: Tăng lệ phí đăng ký, cấp biển ôtô, xe máy]
3- Các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho từng giai đoạn 5 năm và 10 năm gồm:
a) Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các dự án khác đã được xác định trong quy hoạch tỉnh;
b) Các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên và các dự án khác thuộc thẩm quyền đầu tư cấp tỉnh để thực hiện phương án phát triển hệ thống đô thị của tỉnh;
c) Các dự án thực hiện chương trình, đề án trọng tâm quy định tại khoản 2 nêu trên (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 10/11/2023.
Quy định mới về mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm
Thông tư số 61/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/9/2023 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm) đối với động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng, gồm:
a) Phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
b) Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
c) Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
Tổ chức thu phí là Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (bao gồm cả chi phí để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trang trải cho việc quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp); nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước: Nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2023.
Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 62/2023/TT-BTC ngày 3/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo Thông tư, tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn.
Tổ chức thu phí được trích lại 25% (thay cho mức 20% theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả các khoản chi hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:
Chi phí đi lại, ăn ở, thuê phiên dịch, canh giữ người nước ngoài bị lưu giữ; chi khám chữa bệnh khi người nước ngoài bị ốm; áp giải người nước ngoài cư trú trái phép, vi phạm pháp luật về nước. Chỉ sử dụng tiền phí trích lại để hỗ trợ các nội dung chi này khi cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm không chịu kinh phí hoặc không có cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Trường hợp có công bố dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thu phí được quyết định chi các nội dung chi nêu trên và các chi phí trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật.
Chi tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh.
Chi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh.
Chi phục vụ đàm phán, hợp tác đối với đối tác nước ngoài phục vụ công tác cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.
Bổ sung thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của Bộ Công an,
Bộ Quốc phòng và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (nếu có).
Tổ chức thu phí nộp 75% (thay cho mức 80% hiện hành) số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/11/2023.
Sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN ngày 12/10/2023 sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng.
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính-Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điều 20. Trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:
Làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng.
Đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng.
Thông báo bằng văn bản cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc.
Thông báo và cập nhật cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Quản lý ngoại hối về danh sách tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối và Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (đối với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt.
Thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch về việc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này để làm căn cứ xử lý tiền đặt cọc theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
Các trách nhiệm khác theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ 27/11/2023./.