Những "chiến binh thầm lặng" Việt Nam tham dự cuộc thi Hòa giải Thương mại
Bùi Ngọc Linh, Tạ Mai Chi và Phạm Phương Anh, những sinh viên xuất sắc của Học viện Ngoại giao, tham dự Cuộc thi Hòa giải Thương mại Quốc tế lần thứ 19 (ICCMC-19) tại Paris, Pháp.
Trong 6 ngày từ 5-10/2, tại Trụ sở của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tại Thủ đô Paris, Pháp, đã diễn ra Cuộc thi Hòa giải Thương mại Quốc tế lần thứ 19 (ICCMC-19). Đoàn Việt Nam với 3 thí sinh tham dự gồm Bùi Ngọc Linh, Tạ Mai Chi và Phạm Phương Anh, là những sinh viên xuất sắc của Học viện Ngoại giao.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong không khí cả nước đang nhộn nhịp chuẩn bị chào đón Năm mới Giáp Thìn 2024, những bạn trẻ như những “chiến binh thầm lặng" vẫn kiên trì, cần mẫn nghiên cứu và tranh thủ từng giây từng phút trau dồi kiến thức để có thể vượt qua được các vòng thi đầy cam go, trong một lĩnh vực còn khá mới lạ đối với Việt Nam.
ICCMC là một trong những cuộc thi giáo dục lớn nhất trên toàn cầu dành riêng cho hoà giải thương mại quốc tế.
Sự kiện giáo dục lớn nhất trong năm 2024 của ICC này diễn ra tại Paris với sự tham gia của hơn 350 thí sinh và huấn luyện viên đến từ hơn 30 quốc gia, 160 hòa giải viên thương mại quốc tế chuyên nghiệp và nhiều tình nguyện viên, nhà tài trợ và quan sát viên.
Trong Cuộc thi Hòa giải của ICC, sinh viên đại diện cho 48 đội thuộc các trường đại học trên toàn thế giới sẽ cạnh tranh, thi đấu với nhau thông qua việc giải quyết các vấn đề về tranh chấp thương mại quốc tế bằng phương thức hòa giải, dựa theo Luật Hòa giải ICC.
Thành tích các thí sinh được đánh giá bởi các chuyên gia hàng đầu về giải quyết tranh chấp trên thế giới, những người giữ tư cách là thẩm phán trong quá trình thi.
Trong 6 ngày, các đội thi sẽ trải qua 5 vòng đấu loại và vòng chung kết để xác định đội vô địch.
Bạn Tạ Mai Chi, đại diện các thành viên trong đội, chia sẻ Cuộc thi Hòa giải ICC đặt ra yêu cầu đối với các đội tham gia phải giải quyết các vấn đề thương mại quốc tế theo cách tốt nhất và phù hợp nhất. Đây là lần đầu tiên các em được trải nghiệm một cuộc thi ở trong một môi trường chuyên nghiệp và đầy áp lực, đặt ra nhiều thách thức cho các thí sinh.
Theo bạn Chi, việc sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong cuộc thi không những không gây trở ngại cho các em, mà trái lại, đây là điều kiện thuận lợi để các em, những cán bộ ngoại giao tương lai được ứng dụng ngay những kiến thức ngoại ngữ đã học vào thực tế, đồng thời cải thiện rất nhiều trình độ ngoại ngữ cho các em trong lĩnh vực mang tính đặc thù.
Hòa giải Thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp hiện đang được rất nhiều quốc gia sử dụng. Ở Việt Nam, phương thức này ngày càng được quan tâm sau khi Nghị định 22 của Chính phủ về Hòa giải Thương mại, ban hành năm 2017.
Nghị định này quy định một số tiêu chuẩn áp dụng cho các hòa giải viên, là bên thứ ba thực hiện hoà giải với mục đích đem lại hiệu quả, công bằng, nhằm thực hiện xử lý các tranh chấp thương mại.
Hòa giải là phương thức thích hợp nhất khi cả hai bên sẵn sàng tìm cách giải quyết tranh chấp của họ với sự hỗ trợ của một hòa giải viên chuyên nghiệp, để tránh thời gian và chi phí phân xử hoặc kiện tụng, đồng thời giảm thiểu tác hại xấu đến mối quan hệ hai bên.
Kết quả của cuộc thi đã không còn là điều quá quan trọng, khi mà chính các em, những bạn sinh viên lần đầu tiên va chạm với môi trường quốc tế mà không chút e ngại, sợ sệt, mà tràn đầy tự tin tham dự một cuộc thi quốc tế ở một đất nước xa xôi.
Bằng sự tự tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các em đã chứng minh sự dũng cảm, kiên cường của người Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đẹp về một hình ảnh người Việt Nam tài giỏi, thân thiện, hòa đồng trong mắt bạn bè quốc tế./.