Những bộ phim kinh điển giúp hiểu rõ hơn bối cảnh của “Đào, phở và piano”
Để hiểu rõ hơn về bối cảnh bộ phim đang hot “Đào, phở và piano,” khán giả có thể xem thêm một số phim điện ảnh khác về Hà Nội thời hoa lửa, trong đó có những "bom tấn" đến nay vẫn nguyên sức hấp dẫn.
Hiện tượng phòng vé “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn những ngày gần đây đã cho thấy sự quan tâm không nhỏ của các khán giả trẻ đối với dòng phim về đề tài lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đây là bộ phim khác biệt với nhiều tác phẩm điện ảnh về chiến tranh trước đây, bi hùng mà nhân văn, lãng mạn và ngọt ngào.
Thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ của Hà Nội vào những đầu năm 1947, “Đào, phở và piano” khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô và nổi lên trên đó là cốt cách, phẩm chất của người Hà Nội: lãng mạn, hào hoa, sống hết mình, ngay cả trong khói lửa chiến tranh.
Trước “Đào, phở và piano,” đã có nhiều tác phẩm điện ảnh tái hiện sống động bối cảnh Thủ đô Hà Nội thời kháng chiến, trở thành những trang lịch sử bằng hình ảnh mang nhiều giá trị. Trong số đó có những bộ phim trở thành kinh điển, nguồn tư liệu quý giá, “ký ức sống” chân thực về Thủ đô thời hoa lửa.
“Sao tháng 8” - Đạo diễn Trần Đắc
Bối cảnh của phim tuy chỉ diễn ra ở khu vực nội và ngoại thành Hà Nội nhưng mang cái nhìn tổng thể về một giai đoạn bi tráng trong lịch sử Cách mạng giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đó là nạn đói kinh hoàng năm 1945 và những ngày sôi sục trước Cách mạng Tháng Tám.
Phim “Sao tháng 8” được bấm máy giữa năm 1975 và hoàn thành năm 1976, ngay sau khi đất nước vừa thống nhất, còn nhiều gian nan, khó khăn nên chất liệu phim cực kỳ chân thực. Những hình ảnh trong phim khắc họa về cơn bĩ cực của dân ta thời điểm đó thật hơn bất cứ trang viết nào.
“Sao tháng 8” là cuộc đấu tranh từng giờ, từng phút của những chiến sỹ trong phạm vi nhỏ ở nội và ngoại thành Hà Nội để vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phátxít Nhật, trong hoàn cảnh đất nước lầm than vì nạn đói.
Với diễn xuất tài tình của Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Tú vai chị Nhu, một cán bộ Việt Minh cốt cán; nghệ sỹ Dũng Nhi vai thanh niên trí thức Kiên; Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hiền vai cô nông dân Mến; cố nghệ sỹ Đức Hoàn vai nữ chỉ điểm Kiều Trinh… cùng hàng trăm diễn viên quần chúng trong vai những người dân khốn cùng, đói khổ, ăn xin…, bộ phim đã khắc họa thành công thời khắc căng thẳng trong cuộc đấu trí giữa những nhân vật, đánh dấu sự chấm hết của thời kỳ thuộc địa phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Ngay khi ra rạp năm 1976, “Sao tháng 8” đã trở thành hiện tượng, liên tục "cháy vé" ở tất cả các rạp chiếu, xuất sắc đạt Giải Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần IV năm 1977 và được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng Tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại.
Sự đan cài khéo léo các tuyến nhân vật, các chi tiết hoàn chỉnh, sự chuyển động của các tuyến truyện nhuần nhuyễn, có cao trào, đã đưa “Sao Tháng Tám” lên tầm kinh điển, mang hơi hướng phim hành động và cho đến nay vẫn rất hấp dẫn.
“Sống mãi với Thủ đô” - Đạo diễn Lê Đức Tiến, Nguyễn Thế Vĩnh
Bối cảnh của phim “Sống mãi với Thủ đô” mô tả trực diện cuộc chiến đấu quyết tử của Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến mùa Đông 1946.
Truyện phim dựa theo tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do Lê Đức Tiến và Nguyễn Thế Vĩnh đồng đạo diễn chính, phát hành năm 1996 tại Hà Nội.
Những tháng năm chiến đấu bảo vệ Thủ đô được khắc họa chân thực và sinh động trong 12 tập phim, làm sống dậy không khí hào hùng, sục sôi nhưng vẫn đầy chất lãng mạn của những tháng năm rực lửa, đồng thời khắc họa hình ảnh những chiến sỹ Thủ đô quả cảm sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc.
“Sống mãi với Thủ đô” đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn nghệ năm 1996. Năm 2019, Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận đây là xuất phẩm điện ảnh Việt có số lượng diễn viên đông nhất và gồm nhiều quốc tịch nhất.
Khác với tiểu thuyết, phim lược bớt bầu không khí ảm đạm tiền chiến và không khí tang thương sau vụ thảm sát ngã ba phố Hàng Bún-ngõ Yên Ninh. Diễn biến được dẫn bằng phụ chú trên nền ảnh và nhạc, vốn là lối làm phim phổ biến thập niên 1990.
“Hà Nội mùa Đông năm 46” - Đạo diễn Trần Nhật Minh
“Hà Nội mùa Đông năm 46” là tác phẩm điện ảnh Việt Nam hy hữu được công chiếu quốc tế trước cả quốc nội (công chiếu lần đầu tiên vào ngày 12/12/1997 tại Liên hoan Phim Quốc tế Toronto, Canada) và thuộc số rất ít phim chiến tranh cách mạng đạt doanh thu đáng kể cả trong và ngoài nước.
Bộ phim đưa người xem trở lại Hà Nội vào quãng thời gian vô cùng căng thẳng trước ngày toàn quốc kháng chiến, khi thế nước đang “ngàn cân treo sợi tóc,” lúc thực dân Pháp đã lộ rõ âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa.
Đây cũng là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi đưa hình ảnh Lãnh tụ Hồ Chí Minh như một nhân vật trung tâm.
Nội dung phim tập trung vào những hoạt động đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng. Giữa những thời khắc quyết định vận mệnh của cả dân tộc, Người đã có những quyết sách vô cùng sáng suốt.
Những cuộc đấu trí giữa một bên là những người yêu nước và bên kia là những kẻ xâm lược diễn ra vô cùng gay cấn trong bối cảnh căng thẳng của một cuộc chiến tranh đang đến rất gần.
Đạo diễn tài năng Đặng Nhật Minh cùng dàn diễn viên xuất sắc đã viết nên một câu chuyện điện ảnh gây nhiều xúc động. Bộ phim đã gây tiếng vang tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế.
“Hà Nội 12 ngày đêm” - Đạo diễn Bùi Đình Hạc
Trong 12 ngày đêm khói lửa (từ ngày 18-29/12/1972), Đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc ném bom rải thảm, trút xuống Thủ đô Hà Nội một khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương sức công phá của 2 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945.
Cũng trong 12 ngày đêm ấy, với tinh thần quyết chiến-quyết thắng, quân và dân Hà Nội đã khiến "siêu pháo đài bay B-52” thất trận lần đầu tiên trong lịch sử và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề, lật ngược thế cờ, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris, đưa lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.
30 năm sau (năm 2002), đạo diễn Bùi Đình Hạc đã tái hiện sống động một phần của trận “Điện Biên Phủ trên không” năm ấy với bộ phim sử thi hoành tráng "Hà Nội 12 ngày đêm."
Bộ phim được thực hiện rất công phu với những hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ác liệt của cuộc chiến, về sự chiến đấu dũng cảm của những chiến sỹ tên lửa, chiến sỹ không quân; khắc họa sinh động chân dung những người con Hà Nội bình dị mà kiên cường, quyết tâm sống chết với Thủ đô thân yêu trong thời khắc lịch sử hào hùng.
Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam được đầu tư lớn với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, bối cảnh phim được mở rộng lên bầu trời đặc tả sự khốc liệt, cam go và dữ dội của cuộc chiến đấu đối địch bằng không quân.
“Em bé Hà Nội” - Đạo diễn Hải Ninh
“Em bé Hà Nội” là một câu chuyện xúc động về tình người ấm áp trong sự khốc liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Thủ đô
Được công chiếu lần đầu vào năm 1974, bộ phim lập tức trở thành "bom tấn," chinh phục mọi khán giả và được mệnh danh là “mang tiếng nói của nhân loại,” được đem đi trình chiếu ở nhiều nước trên thế giới; giành nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá, trong đó có giải Bông Sen Vàng năm 1975.
Các nhà phê bình điện ảnh ví bộ phim là một "viên ngọc quý của điện ảnh cách mạng Việt Nam.” Tên của bộ phim “Em bé Hà Nội” cũng trở thành biệt danh gắn liền với Nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương - người thủ vai em bé Ngọc Hà - nhân vật chính trong phim.
Phim được ghi hình suốt hai tháng Hè năm 1973, chỉ nửa năm sau khi Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kết thúc. Bối cảnh quay phim ngay tại những địa điểm cũ từng bị đánh bom, lúc này còn hoang tàn và chưa được khôi phục, trong đó có những cảnh quay thực về sự đổ nát ở phố Khâm Thiên với các hố bom thật chưa được lấp đi.
Phim có nhiều cảnh bom đạn, khói lửa thật và thậm chí diễn viên Kim Xuân (vai cô giáo) đã bị bỏng nhiều nơi trên cơ thể khi thực hiện phân cảnh bế Ngọc Hà xuống hầm trú ẩn rồi nằm đè lên bảo vệ em khỏi bom đạn.
“Em bé Hà Nội” nhận đuợc đánh giá cao từ chuyên môn đương đại, giành được nhiều giải thưởng quan trọng cả ở Việt Nam lẫn quốc tế.
Giới phê bình điện ảnh nhận định bộ phim chọn một góc nhìn ít được sử dụng khi tái hiện khung cảnh chiến tranh qua đôi mắt của trẻ thơ, biến “Em bé Hà Nội” thành tác phẩm chủ đề chiến tranh độc đáo “vừa đau thương mất mát, nhưng cũng không thiếu chất trữ tình qua những hoài niệm ngọt ngào về Hà Nội của những ngày tháng thanh bình"./.