Những bất cập trong hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 295.107 người thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa giải quyết với số tiền dự kiến là gần 819 tỷ đồng.

Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Nghị quyết được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao và cho rằng đây là chính sách hỗ trợ trên diện rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Chưa đánh giá tác động đầy đủ khi xây dựng chính sách

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, việc triển khai, giải quyết chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, địa phương thực hiện, tổ chức kịp thời, nhanh chóng, đa dạng, cơ quan nòng cốt là Bảo hiểm xã hội ở các địa phương.

Việc thực hiện chi trả cho gần 13 triệu người lao động với số tiền 30.804 tỷ đồng; giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với 346.806 đơn vị sử dụng lao động đến 31/7/2022, với số tiền gần 7.560 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn.

Cử tri, người lao động, doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực và sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và đặc biệt là Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc tổ chức, phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.

[Hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Chính sách đi nhanh vào cuộc sống]

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, quá trình đánh giá tác động của chính sách, dự báo đối tượng thụ hưởng và dự tính số tiền thực tế chi trả cho người lao động thụ hưởng chính sách còn chưa sát với thực tế.

Do đó, khi triển khai thực hiện chính sách, số tiền thực tế chi trả hỗ trợ người lao động lên tới 30.804 tỷ đồng (Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 cho phép sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động), nhưng vẫn còn số lao động thuộc đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết chưa được chi trả.

Nguyên nhân chủ quan là do chưa đánh giá tác động đầy đủ khi xây dựng chính sách.

Trong quá trình xây dựng chính sách, do các quy định về đơn vị sự nghiệp tự chủ chưa đầy đủ, rõ ràng và thực tế các đơn vị trong giai đoạn rà soát để phân loại theo quy định (nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa phân loại mức độ tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP hoặc được phân loại là tự chủ một phần, không nêu rõ cụ thể đơn vị tự chủ theo tỷ lệ %) nên khó xác định chính xác đối tượng được hưởng chính sách trong các đơn vị sự nghiệp.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện, cơ quan triển khai còn chưa thống nhất cách hiểu về đối tượng có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động đang dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 do đang nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc), đối tượng tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong các cơ quan nhà nước (đơn vị sự nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,...).

Nguyên nhân khách quan được Chính phủ nêu lên là việc xây dựng, ban hành chính sách trong bối cảnh đặc biệt, cách ly xã hội, thời gian rất ngắn, cấp bách để kịp thời hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng chính sách phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước dẫn đến việc dự báo đối tượng thụ hưởng chính sách còn hạn chế, chưa sát thực tế.

Hơn 414.000 lao động nộp hồ sơ đúng thời hạn nhưng chưa được chi trả

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sau ngày 31/12/2021 (thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động), vẫn còn hơn 414.000 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg (nộp hồ sơ đề nghị chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021), nhưng chưa được chi trả với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng.

Trong số này, có hơn 119.300 người đã được phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ với số tiền trên 336 tỷ đồng nhưng chưa chi trả do người lao động kê khai sai thông tin số tài khoản không liên lạc được, hoặc vì lý do bất khả kháng họ chưa đến nhận hỗ trợ.

Cũng có trên 110.600 người do thông tin đề nghị hưởng hỗ trợ chưa chính xác, có nguyện vọng đổi hình thức nhận hỗ trợ nhưng sau khi đối soát, điều chỉnh thông tin thì hết thời hạn thực hiện (số tiền gần 318 tỷ đồng).

Người lao động làm thủ tục trực tiếp tại trụ sợ Bảo hiểm xã hội Hà Nam để nhận hỗ trợ theo quy định. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 295.107 người thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa giải quyết với số tiền dự kiến là gần 819 tỷ đồng. Cụ thể, có 33.965 người lao động (đang tham gia tại đơn vị không phải sự nghiệp công lập, lao động đã dừng tham gia do chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc,...) đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ đúng thời hạn quy định với số tiền dự kiến là 73 tỷ đồng.

Theo lý giải của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đây là các trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ vào những ngày cuối cùng của thời hạn theo quy định, có diễn biến quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp phức tạp; thông tin về quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp; nhân thân của người lao động còn chưa chính xác, do đó để xác định đúng người, đúng mức hưởng chỉ hoàn thành sau ngày 31/12/2021 (thời điểm hoàn thành việc chi trả theo quy định) nên chưa chi trả cho các trường hợp này.

Bên cạnh đó, có trên 261.000 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ, nhưng chưa được giải quyết với số tiền dự kiến trên 745 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện, phát sinh khó khăn trong việc xác định rõ đối tượng hỗ trợ, cơ sở để xác định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ- CP của Chính phủ và các đơn vị do ủy ban nhân dân các cấp thành lập được giao tự chủ về tài chính làm cơ sở thực hiện Nghị quyết số 116/NQ- CP.

Do vậy, việc thực hiện các thủ tục nhận hỗ trợ của một số đơn vị đặc thù còn chậm so với tiến độ đặt ra (đơn vị sử dụng lao động gửi danh sách đề nghị hưởng mà chưa kịp rà soát, kiểm tra, hoàn thiện thông tin đề nghị hưởng của người lao động).

Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận, việc hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa hoàn thành, một bộ phận người lao động chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn theo quy định trong Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm họ khó khăn./.

Bài 3: Tiếp tục chi trả hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi đóng-hưởng của người lao động


Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)