Nhu cầu tất yếu về đổi mới công tác đối ngoại trong tình hình mới
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định hiện nay, quá trình đổi mới về đối ngoại đang đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Ngày 21/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Quốc gia “Nhìn lại quá trình đổi mới về đối ngoại từ năm 1986 đến nay và định hướng giai đoạn 2025-2045.”
Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài cấp Quốc gia về “Cục diện thế giới giai đoạn 2025-2045: Dự báo và định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định đổi mới là yêu cầu tất yếu nhằm thích ứng với thực tiễn không ngừng thay đổi và hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên của đất nước, dân tộc.
Giai đoạn từ năm 1986 đến nay đã chứng kiến quá trình đổi mới của Đảng nói chung và lĩnh vực đối ngoại nói riêng. Hiện nay, quá trình đổi mới về đối ngoại đang đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
[Phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định]
Công tác đối ngoại tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; vị thế, uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Tuy nhiên, công tác đối ngoại thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, có việc chưa làm được, có những việc làm chưa tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Bối cảnh mới đó đặt ra những yêu cầu mới trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, cũng như đòi hỏi cần có những đổi mới trong việc triển khai công tác đối ngoại.
Việc nhìn nhận và đánh giá quá trình đổi mới đối ngoại của Việt Nam cả về tư duy, đường lối và thực tiễn triển khai từ năm 1986 đến nay có ý nghĩa quan trọng để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm chủ động thích ứng trước những biến chuyển của thế giới trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ trong công tác đối ngoại Thành phố rất quan tâm đến công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, tạo môi trường thuận lợi, huy động được các nguồn lực, tiếp cận kịp thời các xu hướng phát triển mới của thế giới để vận dụng vào xây dựng định hướng phát triển kinh tế-xã hội.
Một thực tế, sau đại dịch COVID-19 đã có những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, khiến một số ngành khó khăn trong ngành phục hồi. Ngành may mặc đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, ở một số nước ngành này lại có thể thâm nhập được các thị trường lớn khá tốt.
Đây là thực tiễn đặt ra đối với công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Từ đó, sớm nhìn ra những xu hướng, sự vận động của nền kinh tế thế giới và đóng góp hình thành đường lối, chiến lược, chính sách quốc gia và địa phương, để có thể bắt kịp, cạnh tranh được trên trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Ngày nay, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thời gian qua,Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng quan hệ với các địa phương quốc tế, tham gia các diễn đàn, mạng lưới quốc tế, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế, tiếp các đoàn lãnh đạo các quốc gia…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết Thành phố mong muốn nhận được góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để thời gian tới làm tốt nhất các vai trò, nhiệm vụ quốc gia; đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại phục vụ phát triển Thành phố, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Nếu được Trung ương giao Thành phố sẵn sàng là nơi đầu tiên tiếp thu và thực hiện các nội dung được thu hoạch từ hội thảo.
Hội thảo diễn ra với hai phiên chính: Nhìn lại quá trình đổi mới về đối ngoại từ năm 1986 đến nay và định hướng giai đoạn 2025-2045; Đối ngoại Việt Nam phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ năm 1986 tới nay và định hướng tới năm 2030, tầm nhìn 2045.
Từ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia, đại sứ, nhà khoa học được chia sẻ tại hội thảo sẽ đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong định hướng đường lối đối ngoại của đất nước trong giai đoạn tới./.