Nhu cầu gạo ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ

Nhu cầu gạo ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ, do lượng khách du lịch kỷ lục cũng như nhu cầu trong nước mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và hạn chế mua hàng.

(Ảnh: AFP/TTXVN)

Đầu tháng 9, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản công bố lượng gạo xuất khẩu của Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay đạt mức cao nhất là 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tình trạng này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng gạo ở Nhật Bản đang diễn biến trầm trọng.

Nhu cầu gạo ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ, do lượng khách du lịch kỷ lục cũng như nhu cầu trong nước mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và hạn chế mua hàng. Nhu cầu tăng trưởng, cùng với vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, đã khiến một số siêu thị hết sạch gạo. Các nhà phân phối đã có động thái tăng giá thực phẩm chủ lực của Nhật Bản.

Trong khi đó, mặc dù lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, nhưng gạo dành cho xuất khẩu lại không thể được sử dụng trên thị trường trong nước vì tại Nhật Bản, trợ cấp của chính phủ gắn liền với sản lượng gạo.

Chính phủ Nhật Bản coi gạo là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính và đã sử dụng trợ cấp để khuyến khích nông dân trồng lúa xuất khẩu. Khoản trợ cấp này lên tới 40.000 yen (279 USD)/1.000 m2 lúa. Việc sử dụng lúa trồng bằng trợ cấp là cố định nên nếu gạo được sử dụng cho thị trường nội địa thì nông dân phải hoàn lại tiền.

Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản báo cáo, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân trong nước đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6/2024, mức thấp nhất kể từ năm 1999 và giảm 21% so với năm trước. Giá lúa vụ 2023 tăng lên 15.865 yen (khoảng 110 USD) cho 60 kg, mức cao nhất của 11 năm. Theo chỉ số giá tiêu dùng chính thức (CPI), giá gạo trong tháng 7/2024 đã tăng 17% so với năm trước.

Gạo là một trong số ít mặt hàng chủ lực do nông dân Nhật Bản cung cấp hoàn toàn, với tỷ lệ tự cung tự cấp gần 100%. Sản xuất mặt hàng chủ lực được chính phủ hướng dẫn theo nhu cầu dự kiến, ví dụ bằng cách trợ cấp cho người sản xuất để chuyển sang các sản phẩm khác như thức ăn chăn nuôi. Những sai lệch so với ước tính về nhu cầu và sản lượng này, chẳng hạn như đã xảy ra khi du lịch tăng, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá.

Càphê được giá do thời tiết bất lợi

Giá càphê arabica và robusta tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần này trước những lo ngại về tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại hai “thủ phủ” sản xuất loại nông sản này là Brazil và Việt Nam.

Trước đó trong phiên 4/9, giá càphê arabica có lúc rơi xuống mức thấp nhất của hai tuần sau khi những trận mưa “giải nhiệt” xuất hiện tại Brazil, khiến lo ngại về hạn hán dịu bớt.

Cơ quan Khí tượng Brazil Somar Meteorologia thông báo rằng khu vực Minas Gerais của nước này, đóng góp khoảng 30% sản lượng càphê arabica của quốc gia Nam Mỹ, đã ghi nhận lượng mưa lên đến 13,8 mm - tương đương 160% mức trung bình của tuần trước.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk) thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, nhìn chung, theo Trung tâm giám sát thiên tai Cemaden, Brazil đang đối mặt với tình trạng thời tiết khô hạn nghiêm trọng nhất kể từ năm 1981. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến càphê tiếp tục giữ giá sau khi lập đỉnh trong tuần qua.

Trong khi đó, xuất khẩu càphê từ Việt Nam, nhà sản xuất càphê robusta lớn nhất thế giới, đã giảm. Giá càphê robusta tăng bởi lo ngại rằng tình trạng khô hạn ở Việt Nam sẽ tác động tiêu cực đến cây càphê và hạn chế sản lượng càphê robusta toàn cầu trong tương lai.

Volcafe, một trong những công ty kinh doanh càphê lớn nhất toàn cầu, cho biết niên vụ càphê robusta 2024-2025 của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao (1 bao = 60 kg), mức thấp nhất trong 13 năm, do lượng mưa kém.

Mặc dù vậy, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã mang lại những tín hiệu khác.

Cục Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của USDA dự báo sản lượng càphê toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ tăng 4,2% so với niên vụ trước đạt 176,235 triệu bao. Trong đó, sản lượng càphê arabica tăng 4,4% và sản lượng càphê robusta tăng 3,9%.

FAS cũng dự báo tồn kho càphê cuối niên vụ 2024-2025 sẽ tăng 7,7%, do năng suất cao hơn và diện tích cây trồng được mở rộng tại Brazil và Colombia, nước sản xuất càphê arabica lớn thứ hai thế giới.

Lo ngại về hai đầu tàu kinh tế “phủ bóng” thị trường cao su

Giá cao su tương lai liên tục giảm trong tuần qua, chịu sức ép từ lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi đồng yen mạnh hơn gây áp lực về giá. Phiên 5/9, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) thậm chí đã chạm mức thấp nhất của hai tuần và đang hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong gần 6 tháng.

Mặc dù nguồn cung hiện nay không quá dồi dào (nếu so với giai đoạn cao điểm thông thường hàng năm là từ tháng 9 đến tháng 1), động lực tăng giá của cao su dự kiến sẽ bị hạn chế bởi những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ cùng triển vọng nhu cầu phục hồi không mấy sáng từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là nhận định của nhà phân tích trưởng Jom Jacob tại công ty phân tích What Next Rubber của Ấn Độ.

Ngoài ra, Cơ quan Khí tượng của Thái Lan, nước sản xuất cao su hàng đầu, đã cảnh báo về những trận mưa lớn có thể gây ra lũ quét từ ngày 8/9 đến ngày 10/9. Hiện tượng thời tiết ẩm ướt sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất cao su./.