Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng đột biến tới 68% trong 11 tháng

Trong tháng 11, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận giảm điểm so với tháng trước đó, song nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin vẫn tăng và dự kiến cả năm 2024.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Thị trường chứng khoán vẫn đang giao dịch khá giằng co trước các mốc kháng cự quan trọng. Riêng trong tháng 11, các chỉ số chứng khoán chính trên HOSE đều ghi nhận giảm điểm so với tháng trước đó. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin vẫn đang tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung và dự kiến cả năm 2024.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), trong tháng 11/2024, các chỉ số chứng khoán chính trên HOSE đều ghi nhận giảm điểm so với tháng trước đó. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.250,46 điểm, VNAllshare đạt 1.301,88 điểm và VN30 đạt 1.311,26 điểm, giảm nhẹ so với tháng trước đó lần lượt là 1,11%, 1,69% và 2,04%.

Đối với chỉ số ngành, có 2 chỉ số ngành là công nghệ thông tin (VNIT) và chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) ghi nhận tăng trưởng khá với mức tăng lần lượt là 6,07% và 3,94%, trong khi các chỉ số ngành còn lại đều có sự giảm điểm so với tháng trước. Trong số đó, 3 chỉ số ngành giảm điểm nhiều nhất là chỉ số hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm 5,3%, chỉ số năng lượng (VNENE) giảm 4,57% và chỉ số ngành vật liệu xây dựng (VNMAT) giảm 1,48%.

Đáng chú ý, so với thời điểm cuối năm 2023, phần lớn các chỉ số ngành đều đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nổi bật nhất là VNIT tăng 68% trong 11 tháng qua; kế đó là VNCOND tăng hơn 29% và VNHEAL tăng hơn 23%, vượt trội so với mức tăng của VN-Index chỉ 10,67%.

Việc nhóm cổ phiếu công nghệ nổi sóng trong năm 2024 diễn biến đồng pha với xu hướng của các thị trường chứng khoán thế giới thời gian qua, khi nhóm này luôn là tâm điểm của giới đầu tư. Thậm chí, không ít cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá lên đến 3 chữ số.

Trong nhóm bluechip, đáng chú ý nhất vẫn là cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT khi tăng gần 74% chỉ trong 11 tháng qua. Nhờ đà tăng mạnh này, FPT cũng vươn lên vị trí thứ 3 trong Top doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên HOSE, thay vì vị trí thứ 10 ở thời điểm đầu năm. Trong đợt quay lại mua ròng vừa qua, FPT cũng là cổ phiếu được khối ngoại gom nhiều nhất.

Không chỉ trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu công nghệ trên sàn HNX và UPCOM cũng nổi sóng mạnh trong năm nay. Nổi bật nhất là cổ phiếu VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel, khi thị giá tăng “khủng” hơn 250% chỉ trong 11 tháng năm 2024.

Báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho thấy, kết quả kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam khá tích cực và được nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoại trừ ELC, ITC và VTE có lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng 2024 giảm so với cùng kỳ, các doanh nghiệp khác đều ghi nhận tăng trưởng tích cực; trong đó, VGI tăng 343% so với cùng kỳ; SAM tăng 234%; TTN tăng 158%...

Dù lợi nhuận chỉ tăng hơn 20%, tuy nhiên tính đến cuối quý III/2024, FPT giữ vững vị trí dẫn đầu về quy mô doanh thu và lợi nhuận; đồng thời có biên lãi ròng cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp niêm yết. Xét về tỷ lệ nợ, ngoại trừ SGT, chỉ số D/E (tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu) của các doanh nghiệp công nghệ niêm yết đều ở mức khá an toàn.

Báo cáo của TPS cho biết, doanh thu trên thị trường dịch vụ công nghệ thông tin dự kiến đạt 1,99 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 3,11 tỷ USD vào năm 2029, tương ứng với mức tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 9,34% trong giai đoạn 2024-2029. Riêng gia công dịch vụ công nghệ thông tin chiếm lĩnh thị trường với giá trị thị trường dự kiến đạt 0,69 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 35% tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin năm 2024. Tiếp đó là thuê ngoài quy trình kinh doanh, dự kiến ghi nhận khoảng 0,59 tỷ USD, chiếm 30% tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024.

Thị trường công nghệ thông tin truyền thông đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nhiều nhóm ngành hàng như sức khỏe, giáo dục, tài chính và sản xuất. Sự mở rộng của thị trường công nghệ thông tin trong thời gian tới được thúc đẩy bởi các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và công nghệ chuỗi khối. Kết nối 5G, điện toán biên, biện pháp an ninh mạng và phân tích dữ liệu được cho là những xu hướng chính của ngành công nghệ thông tin truyền thông trong thời gian tới.

Các chuyên gia của TPS cho rằng, trong thời gian tới, ngành công nghệ thông tin và truyền thông sẽ được hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn FDI. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu đang tìm kiếm đầu tư vào công nghệ thông tin do hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc+1, tăng trưởng kinh tế tích cực, chi phí lao động rẻ, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của thị trường công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các hiệp định CPTPP, EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội về thị trường và trao đổi kiến thức công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự bùng nổ về kỹ thuật số, đô thị hóa tăng nhanh và dân số trẻ am hiểu công nghệ sẽ là những chất xúc tác cho sự tăng tốc ngành công nghệ thông tin truyền thông trong thời gian tới…/.