Nhìn lại V-League 2023-2024: Khi cuộc chiến trụ hạng 'nóng' hơn cuộc đua vô địch
Chức vô địch thuyết phục nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Thép Xanh Nam Định là hình ảnh tương phản với cảnh 'ngụp lặn' của các đội bóng miền Trung do gặp khó khăn về lực lượng và tài chính...
Mùa giải V-League 2023-2024 - mùa đầu tiên mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được tổ chức theo thể thức mới mẻ (áp dụng lịch thi đấu vắt qua 2 năm để phù hợp với lịch chung của bóng đá thế giới) đã khép lại với niềm vui chiến thắng thuộc về Đội bóng thành Nam, và ở nửa cuối của bảng xếp hạng là tiếng thở dài của những người hâm mộ bóng đá miền Trung...
"Quân vương" nhàn nhã
Gần bốn thập niên kể từ danh hiệu Vô địch Quốc gia lần đầu tiên (năm 1985), Nam Định một lần nữa bước lên ngôi vương của Bóng đá Việt Nam cấp Câu lạc bộ. Xuyên suốt chặng đường đến "đỉnh vinh quang," đoàn quân của huấn luyện viên Vũ Hồng Việt thể hiện một phong độ ấn tượng: thắng nhiều trận nhất (16 trận), thua ít nhất (5 trận), ghi nhiều bàn nhất (60 bàn)...
Chính sách "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" của Ban lãnh đạo Đội bóng thành Nam trong suốt hai năm qua đã thu về "quả ngọt" ở mùa giải năm nay: Nam Định "thay da đổi thịt" khi đưa về hàng loạt bản hợp đồng đình đám như thủ môn Nguyên Mạnh, các hậu vệ Dương Thanh Hào, Hồng Duy, Văn Kiên, Văn Vĩ, hàng tiền vệ với Văn Công, Văn Vũ, Lý Công Hoàng Anh cùng các ngoại binh như Hendrio, Lucas Alves và đặc biệt là Rafaelson - "khẩu thần công" đã góp hơn một nửa số bàn thắng của toàn đội (31 bàn) trên hành trình chinh phục danh hiệu V-League.
Nam Định đã vươn mình nhờ tiềm lực tài chính dồi dào, tuy nhiên con đường đến chức vô địch của Đội bóng thành Nam cũng tương đối bằng phẳng, khi các đối trọng của thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt đều lần lượt "tự bắn vào chân."
"Nam Định không những hay mà còn may khi các đối thủ của họ đồng loạt suy yếu: Hà Nội FC đầu mùa sa sút do phải phân chia lực lượng ở đấu trường AFC, đến khi tìm được sự ổn định với huấn luyện viên Daiki Iwamasa thì không còn quyền tự quyết; Đương kim vô địch Công an Hà Nội bất ổn khi liên tục thay tướng; trong khi Thể Công-Viettel dưới thời huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng dù rất tiềm năng nhưng chưa định hình được lối chơi," nhà báo-bình luận viên Long Vũ nhận định.
Để rồi, những nỗ lực của MerryLand Quy Nhơn Bình Định và Becamex Bình Dương là không đủ để khỏa lấp cho sự sa sút của những "ông lớn" Thủ đô: Bình Định mất điểm trước hàng loạt đối thủ "dưới cơ" như Sông Lam Nghệ An (thua cả 2 lượt), Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1 hòa, 1 thua) hay Khánh Hòa (hòa 2-2); trong khi Bình Dương "thê thảm" hơn với chuỗi 5 thất bại liên tiếp (từ vòng 20 đến vòng 24) và chỉ về đích ở nửa sau bảng xếp hạng (xếp thứ 9).
Nỗi buồn miền Trung
Trong ngày mà cổ động viên Nam Định mở hội trên sân Thiên Trường để ăn mừng chức vô địch lịch sử thì ở nửa cuối của bảng xếp hạng, ba đại diện của miền Trung là Sông Lam Nghệ An, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Hoàng Anh Gia Lai phải "huynh đệ tương tàn" để xác định đội phải đá play-off trụ hạng và có nguy cơ theo chân một đại diện khác của miền Trung là Khánh Hòa (xuống hạng từ vòng 22) chia tay giải đấu.
Nhìn vào sự đầu tư giúp Nam Định trở lại vị thế hàng đầu, những người hâm mộ của cựu vương một thời là Sông Lam Nghệ An không khỏi chạnh lòng, khi khó khăn về lực lượng khiến thầy trò huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn chỉ "thoát hiểm" ở vòng đấu cuối cùng.
"Tiêu chuẩn về đào tạo cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ trong những năm gần đây có chiều hướng đi ngang và đi xuống, dẫn đến câu chuyện 'con chị nó đi nhưng con dì... không lớn,' nhiều cầu thủ trẻ của Nghệ An chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng không đủ chất lượng để cạnh trạnh cho những mục tiêu cao hơn," bình luận viên Quang Tùng - một người con của xứ Nghệ chia sẻ.
Trong khi đó, "người anh em" Hồng Lĩnh Hà Tĩnh còn gặp khó khăn về lực lượng theo cách phức tạp hơn, khi 5 cầu thủ của đội bị đình chỉ thi đấu để điều tra nghi vấn sử dụng chất cấm.
"Sự việc đáng tiếc của đội Hà Tĩnh cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các đơn vị như câu lạc bộ chủ quản, ban tổ chức các giải đấu cần có cơ chế kiểm tra y tế thường xuyên với các cầu thủ đồng thời có những hình thức kỷ luật đủ sức nặng để tránh lặp lại những sự cố đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam," chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định.
Trong khi đó, nỗi đau của bóng đá Khánh Hòa đến từ những khó khăn về tài chính, về chuyện nợ lương, lót tay khiến nhiều cầu thủ của Đội bóng phố Biển "đình công," không tập luyện và chỉ chấp nhận ra sân để đội chủ quản tránh án phạt từ Ban tổ chức V-League.
Dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình cảnh éo le của các đại diện miền Trung ở mùa giải năm nay nhưng nhìn chung, vấn đề lớn nhất của các đội bóng đến từ sự thiếu hụt về tài chính, khiến bóng đá miền Trung đứng trước viễn cảnh có tới 2 câu lạc bộ phải xuống thi đấu ở Giải hạng Nhất mùa tới./.