Nhiều vụ nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến quán ăn đường phố

Từ ngày 12/3 đến nay, tại thành phố Nha Trang ghi nhận liên tiếp 3 vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn ở các quán ăn, gánh hàng rong lề đường.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng 5/4. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Mùa Hè nắng nóng là thời điểm nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Công tác quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tỉnh Khánh Hòa thực hiện với nhiều biện pháp, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến quán ăn ở đường phố.

Tháng Ba, Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Từ ngày 12/3 đến nay, tại thành phố Nha Trang ghi nhận liên tiếp 3 vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn ở các quán ăn, gánh hàng rong lề đường. Mới nhất là vụ hàng chục em học sinh nhập viện sau khi ăn sáng ở khu vực trước các cổng trường ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, trong đó có 1 học sinh tử vong vào sáng 5/4.

Sau các sự việc trên, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh huy động tối đa tất cả các nguồn lực hiện có của đơn vị (nhân lực, thuốc, trang thiết bị) để tập trung cấp cứu, điều trị chăm sóc bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm; lưu ý phân loại người bệnh có triệu chứng nặng, trẻ em và người già để ưu tiên chuyển lên bệnh viện tuyến trên; kịp thời hội chẩn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh về mặt chuyên môn khi có ca bệnh diễn biến bất thường, phức tạp hay xấu hơn, khó tiên lượng, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng, vượt quá khả năng thu dung điều trị của đơn vị.

Đặc biệt, khi tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm, phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, lưu mẫu bệnh phẩm; phối hợp cung cấp mẫu bệnh phẩm/kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và các thông tin có liên quan cho Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm tuyến huyện trong quá trình điều tra nguyên nhân và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu bệnh phẩm phục vụ điều tra và khử khuẩn nơi xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm. Các đơn vị kịp thời cập nhật kết quả về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trường Tiểu học Vĩnh Trường, phường Vĩnh Trường nơi có nhiều em học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng 5/4. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Đối với hầu hết các trường học ở thành phố Nha Trang, các trường đã chủ động thông báo cho phụ huynh về tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Chị Mai Yến, phụ huynh của học sinh Lê Ngọc Trà My, học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường cho biết, con của chị đang được theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm sáng 5/4.

Sau khi biết bạn cùng ăn sáng đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, con chị có biểu hiện mệt mỏi nên chị cho cháu nhập viện theo dõi. Cô giáo của cháu cũng nhắn tin nhắc nhở không cho con mua đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh; không mua quà vặt trước cổng trường; nhắc nhở và không cho tiền để con em mua quà vặt không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 3/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục về vấn đề an toàn thực phẩm. Trong đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.

Đặc biệt là chú trọng tuyên truyền, giáo dục học sinh không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn được bày bán tại khu vực lân cận trường học và mua trên các trang mạng điện tử; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại đơn vị.

Khi có trường hợp, sự việc nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở giáo dục, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan theo dõi diễn biến, tình hình xác minh làm rõ nguyên nhân.

Mới đây, trong cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương phải triển khai tốt Tháng An toàn thực phẩm (diễn ra từ 15/4-15/5) có trọng tâm, trọng điểm.

Ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp huyện và xã phải xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn thực phẩm cả năm, trong đó, tập trung vào tháng cao điểm, chú trọng công tác truyền thông cho tất cả đối tượng, tập trung vào nhóm người bán thức ăn đường phố; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là việc lưu mẫu thức ăn.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo các cấp phải đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, nhất là ở các chợ. Khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra phải truy xuất nguồn gốc các loại thực phẩm để tìm ra nguyên nhân chính; các vụ lớn nên đề nghị công an vào cuộc, xử lý, làm gương. Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh tập huấn về an toàn thực phẩm cho cán bộ cấp xã.../.