Nhiều vấn đề phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh NATO
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định liên minh xuyên Đại Tây Dương hiện đang phải đối mặt với "một thế giới nguy hiểm hơn" với "một châu Âu chia rẽ và NATO lung lay."
Từ ngày 9-11/7, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), đánh dấu 75 năm thành lập liên minh quân sự lâu đời nhất thế giới này.
Hội nghị năm nay khá đặc biệt khi chào đón sự tham gia lần đầu tiên của gương mặt mới Thụy Điển trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm bạn bè và đối tác nhằm đối phó với sự cạnh tranh từ các đối thủ cũ và mới, đồng thời chuẩn bị cho những cuộc chuyển giao chính trị nội bộ quan trọng có thể tác động đến tương lai lâu dài của khối.
Lãnh đạo 32 nước thành viên phải đưa ra những quyết định quan trọng về cách thức tồn tại của khối trong môi trường an ninh mới.
Giới quan sát nhận định nhiều vấn đề phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, bao gồm nguy cơ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, khả năng Pháp sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine, sự "cứng đầu" của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cũng như sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ liên quan tới xung đột Israel-Hamas, ứng dụng an toàn công nghệ kỹ thuật số..., khi dư luận châu Âu đã mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài tại Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ.
Chuyên gia Lyle Goldstein, thuộc Trung tâm phân tích Defence Priorities (Washington), cho rằng khó có thể kỳ vọng những điều mới tại hội nghị này do tình hình rất khó khăn mà các nước NATO phải đương đầu, với "nhiều cuộc khủng hoảng liên quan lẫn nhau."
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs mới đây, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định liên minh xuyên Đại Tây Dương hiện đang phải đối mặt với "một thế giới nguy hiểm hơn" với "một châu Âu chia rẽ và NATO lung lay."
Theo ông, hội nghị sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính.
Một là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh, vốn được coi là nhiệm vụ cốt lõi của NATO.
Thứ hai là hỗ trợ Ukraine - chương trình nghị sự “cấp bách nhất,” ủng hộ khả năng Kiev gia nhập NATO. Thứ ba là tiếp tục tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như với các tổ chức quốc tế khác, nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Các chuyên gia đánh giá việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh có thể là sự thay đổi chiến lược mạnh mẽ nhất của khối này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Hiện ưu tiên chính của NATO là tăng cường phòng thủ và răn đe, đặc biệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Thời gian gần đây, các nước NATO đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, tăng cường phòng thủ và xây dựng lực lượng thường trực, hiện đại hóa các cấp chỉ huy và khả năng kiểm soát, chuyển đổi hoạt động phòng thủ tập thể và kết nạp thành công các đồng minh mới gồm Phần Lan và Thụy Điển, đưa NATO đến gần biên giới Nga hơn.
Tuy nhiên, hầu hết trong số hơn 20 thành viên đã đáp ứng hoặc gần đáp ứng tiêu chí phân bổ 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng đều nằm gần Nga về mặt địa lý như Ba Lan hoặc các nước Baltic, trong khi nhiều quốc gia khác vốn có tiếng nói trong NATO lại rất miễn cưỡng như Đức, Pháp hay Italy.
Liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine, tại hội nghị lần này, nhiều khả năng lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ cam kết tiếp tục duy trì mức hỗ trợ quân sự cho Kiev như những năm qua (khoảng trên 40 tỷ USD/năm).
Ngoài ra, các bên cũng sẽ công bố kế hoạch “cầu nối tới tư cách thành viên” dành cho Ukraine, đồng thời đưa ra các bước nhằm tăng cường năng lực phòng không cho nước này.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, liên minh này vẫn chưa đạt được đồng thuận về thời điểm và cách thức để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO.
Trong một lá thư ngỏ vừa đăng tải, 60 chuyên gia chính sách đối ngoại đã cảnh báo không nên thúc đẩy việc Ukraine gia nhập vì Nga sẽ có lý do để nghi ngờ tính xác thực của cam kết đảm bảo an ninh trong NATO, kéo theo nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai bên, trong khi những bất đồng nội khối trong vấn đề này có thể làm rạn nứt liên minh.
Về tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ của NATO với 4 đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, được gọi là nhóm IP4.
Giới phân tích nhận định đây là động thái thể hiện sự đoàn kết ngoại giao, cho thấy NATO đang liên kết với các đồng minh và đối tác Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, vốn đã nổi lên như một đối thủ ngang hàng với Mỹ, kể cả về công nghệ và thương mại.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp 4 nước này tham gia kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 ở Madrid (Tây Ban Nha), khiến chủ đề “NATO hóa” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục được thảo luận sôi nổi.
Một ngày trước hội nghị, Cố vấn cấp cao về châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, ông Michael Carpenter khẳng định NATO sẽ không mở rộng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng có cơ hội “rộng lớn” để hợp tác lớn hơn với Hàn Quốc và các đối tác khu vực khác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, chống thông tin sai lệch và xây dựng các căn cứ công nghiệp quốc phòng.
Khi NATO thành lập vào năm 1949, các thành viên châu Âu của khối đang phục hồi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và Liên Xô dường như đặt ra mối đe dọa mà châu Âu không thể xử lý nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, đó đã là quá khứ, hiện Liên Xô và Khối Hiệp ước Warsaw không còn tồn tại và điều này đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của NATO.
Liên minh quân sự này hiện đang gặp rắc rối là vì tồn tại quá lâu và những tuyên ngôn sáo rỗng quen thuộc về các giá trị chung và tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương không còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như trước nữa, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ tại Mỹ. Tỷ lệ người Mỹ gốc Âu đang giảm dần, làm xói mòn thêm mối liên hệ tình cảm với "đất mẹ."
Những người Mỹ trẻ tuổi ít bị thuyết phục bởi những tuyên bố về vị thế đặc biệt của Mỹ và ít có xu hướng ủng hộ Mỹ đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
Theo giới quan sát, hội nghị NATO lần này tại Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt bất lợi khi Tổng thống chủ nhà Joe Biden là một người ủng hộ mạnh mẽ liên minh, nhưng tương lai chính trị của ông trở nên bấp bênh sau màn thể hiện gây thất vọng trong cuộc tranh luận với đối thủ Trump hôm 27/6 vừa qua và đã có những lời kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua, kể cả từ bên trong đảng Dân chủ.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ cho biết các trợ lý của ông Trump bắt đầu thảo luận về việc cải tổ NATO, theo hướng giảm bớt vai trò của Mỹ trong nỗ lực đảm bảo an ninh cho châu Âu, cân nhắc đề xuất phương án khác cho Ukraine, trong đó có khả năng NATO thỏa hiệp với Nga.
Tất cả những điều này báo hiệu dự cảm không tốt cho mối quan hệ đối tác an ninh truyền thống giữa hai bờ Đại Tây Dương, vốn phụ thuộc rất nhiều vào "chiếc ô" an ninh của Mỹ.
Ông Camille Grand, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, đánh giá dù ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì cũng đã đến lúc người châu Âu "chấp nhận gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ châu Âu" và tiếp cận "một cách chiến lược hơn."
Trên thực tế, do những lý do hoàn toàn mang tính cấu trúc, châu Á hiện đang chiếm được sự chú ý lớn hơn của Mỹ. Điều này không có nghĩa là châu Âu không quan trọng, nhưng châu Âu không còn chiếm vị trí ưu tiên trong lợi ích chiến lược của Mỹ.
Tóm lại, NATO sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi ông Trump lại làm Tổng thống Mỹ. Nhưng có những thế lực mang tính cấu trúc mạnh mẽ đang dần dần đẩy châu Âu và Mỹ ra xa nhau và những xu hướng đó sẽ tiếp tục bất kể điều gì xảy ra vào tháng 11 tới, ở Mỹ, Ukraine hay ở châu Âu. Trong bối cảnh đó, kế hoạch tăng cường phòng thủ và răn đe của NATO đang đối mặt với những thách thức lớn./.