Nhiều tâm tư, nguyện vọng gửi tới Phiên họp giả định "Quốc hội Trẻ em"
Nhiều em đại diện tiếng nói, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em địa phương về "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em" để phản ánh tới Quốc hội.
Lần đầu tiên, trẻ em được đóng vai đại biểu và lãnh đạo Quốc hội, tới hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội), điều hành phiên họp giả định "Quốc hội Trẻ em."
Không chỉ nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân, các em còn đại diện tiếng nói, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tại địa phương về "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em" để phản ánh tới Quốc hội.
Trước phiên họp toàn thể diễn ra sáng 10/9, các em thiếu nhi đã chia sẻ cảm xúc, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Tin tưởng vào một kỳ "Quốc hội Trẻ em"
Là đại biểu nòng cốt của phiên họp giả định "Quốc hội Trẻ em", Nguyễn Trường Giang (hiện là Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Lai Châu) chia sẻ, cảm thấy rất vinh dự, tự hào và cũng nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình.
Trường Giang cho hay Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới còn gặp vô vàn khó khăn. Trẻ em ở đây nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung đang gặp phải một số vấn đề về an toàn trên không gian mạng, tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực trẻ em… Chính vì vậy, trẻ em Lai Châu có rất nhiều ý kiến, kiến nghị về những vấn đề này. Bản thân em phải mang tiếng nói của trẻ em Lai Châu tới Quốc hội để được thảo luận sâu hơn.
[Phiên họp Giả định "Quốc hội Trẻ em" lần thứ I sẽ diễn từ 9-10/9]
Trường Giang bày tỏ tin tưởng, mặc dù là lần đầu tiên diễn ra nhưng phiên họp giả định "Quốc hội Trẻ em" sẽ là phiên họp rất tích cực và sôi nổi.
"Đây sẽ nơi để thiếu nhi trên toàn quốc cùng nhau đóng góp ý kiến và chia sẻ những vấn đề mà trẻ em quan tâm. Quan trọng hơn là những ý kiến đó sẽ được các bác lãnh đạo lắng nghe, quan tâm để có thể đưa ra chính sách, giải pháp xác đáng và sát thực hơn đối với trẻ em, từ đó xây dựng cho trẻ em một môi trường sống an toàn và lành mạnh hơn," Trường Giang chia sẻ.
Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Em Ngô Thị Kim Cương (đại biểu tỉnh Tây Ninh) cho biết vấn đề em quan tâm và mong muốn tìm ra giải pháp khắc phục nhất là vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Kim Cương muốn đề cập cụ thể đến góc độ người xâm hại trẻ em không phải ai xa lạ mà chính là những người thân quen, thậm chí là người thân trong gia đình.
Theo Kim Cương, đây là vấn đề không mới, nhưng những giải pháp được các cấp, các ngành đưa ra hiện chưa thiết thực, chưa bảo đảm an toàn cho trẻ. Rào cản lớn nhất chính là các em chưa có quyền được lên tiếng, hoặc chưa thực sự được lắng nghe và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nếu có thì cũng rất thấp.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, vấn đề này cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương và gia đình. Theo Kim Cương, sự quan tâm của gia đình, cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và bảo đảm an toàn cho trẻ.
Qua phiên họp giả định "Quốc hội Trẻ em," Kim Cương mong muốn góp tiếng nói của trẻ em Tây Ninh và bản thân em vào vấn đề bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Từ đó tìm ra giải pháp khắc phục các vấn đề này, góp phần bảo vệ, mang đến cho trẻ em một cuộc sống an toàn và vui tươi.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Trẻ em huyện Dương Minh Châu, Kim Cương cho biết, sẽ đề xuất đến nhà trường, huyện áp dụng những giải pháp hay mà em học được ở phiên giả định để có thể giải quyết những vấn đề tồn tại, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của trẻ em ở địa phương.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Với em Phạm Nguyễn Gia Hân (đại biểu thành phố Đà Nẵng) bạo lực trên không gian mạng là một vấn đề nhức nhối hiện nay. Nhiều trẻ em đã và đang bị tấn công, bạo lực trên không gian mạng. Ngay tại trường của Gia Hân có một bạn học sinh giỏi cũng là nạn nhân của tình trạng này.
Hân chia sẻ, bạn bị add (thêm) vào một group anti (hội nhóm tẩy chay) trên mạng, hàng ngày phải đọc những tin nhắn chửi bới xúc phạm mình một cách thậm tệ. Những lời xúc phạm trong group anti đã đẩy bạn đó rơi vào hoảng loạn, trầm cảm đến mức muốn kết liễu cuộc đời. May mắn, bạn được Tổ Tư vấn Tâm lý Học đường trong trường can thiệp, hỗ trợ kịp thời nên dần lấy lại thăng bằng.
Tuy nhiên, theo Hân, Tổ Tư vấn Tâm lý Học đường hiện chưa phổ biến ở nhiều nơi nên học sinh là nạn nhân của bạo lực mạng, bạo lực học đường vẫn cô đơn chống chọi một mình.
Để hỗ trợ các bạn khỏi bạo lực mạng, Hân đề xuất cần có thêm những quy định, luật mới xử lý nghiêm ngặt hành vi bạo lực, gây rối trật tự trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Nhà nước, các cấp, bộ, ngành, nhà trường có thể phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các ứng dụng, trang web, trung tâm tư vấn tâm lý học đường…, đồng hành, kịp thời hỗ trợ trẻ em thoát khỏi những thông tin tiêu cực, bạo lực, có được môi trường phát triển thực sự an toàn, lành mạnh.
Cùng quan tâm về vấn đề này, em Đặng Cát Tiên (đại biểu tỉnh Khánh Hòa) cho rằng để giúp trẻ em biết bảo vệ bản thân, có kỹ năng tham gia môi trường mạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần tích hợp chương trình giảng dạy về an toàn trực tuyến vào giáo trình học đường để tạo ra một thế hệ trẻ thông thái, tự tin và biết sử dụng mạng an toàn./.