Nhiều người thương vong trong các cuộc biểu tình ở CHDC Congo
Giới chức CHDC Congo xác nhận 3 nhân viên gìn giữ hòa bình và 12 dân thường đã thiệt mạng trong khi hàng chục người khác bị thương trong các cuộc biểu tình tại miền Đông nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 26/7, nhà chức trách Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết 3 nhân viên Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nước này (MONUSCO) và ít nhất 12 dân thường đã thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình tại miền Đông nước này.
Các cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 25/7 tại thành phố Goma, sau đó lan sang thành phố Butembo. Biểu tình xuất phát từ những cáo buộc cho rằng MONUSCO đã không bảo vệ được dân thường trước những cuộc tấn công của các nhóm vũ trang.
Cảnh sát trưởng Butembo, ông Paul Ngoma xác nhận 3 nhân viên gìn giữ hòa bình thiệt mạng do đụng độ trong biểu tình gồm 2 công dân Ấn Độ và một công dân Maroc. Ngoài ra, ít nhất 7 dân thường cũng đã thiệt mạng và một số khác bị thương tại thành phố này.
[Hàng trăm người bị bắt cóc, giết hại ở CHDC Congo]
Tại Goma, giới chức sở tại xác nhận ít nhất 5 người thiệt mạng và 50 người bị thương.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới tại New York (Mỹ), phó phát ngôn viên Liên hợp quốc, ông Farhan Haq, xác nhận 1 binh sỹ Liên hợp quốc và 2 quân cảnh phục vụ MONUSCO đã thiệt mạng.
Phản ứng trước các ý kiến bất bình của người biểu tình đối với MONUSCO, ông Haq nhấn mạnh lực lượng này đã nỗ lực tối đa không chỉ trong nhiều năm qua mà suốt nhiều thập kỷ nhằm mang lại sự ổn định cho miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
MONUSCO thực hiện nhiệm vụ từ năm 2010. Tính đến tháng 11/2021, phái bộ này đã triển khai hơn 12.000 binh lính và 1.600 cảnh sát tại đây. Trong những năm gần đây, MONUSCO đang rút dần các lực lượng khỏi quốc gia Trung Phi này.
Tuy nhiên, những tháng qua, các vụ đụng độ giữa dân quân địa phương và nhóm phiến quân M23 ngày càng gia tăng tại miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi đó, các đối tượng thánh chiến có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công bất chấp việc nước này áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm cũng như các hoạt động chung của quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda nhằm ngăn chặn IS./.