Nhiều khó khăn trong cải tạo, di dời chung cư cũ tại TP.HCM
Việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ cấp bách từ hệ thống luật pháp, cơ chế thực hiện.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, ngay giữa thành phố hiện đại này tồn tại những chung cư cũ kỹ, xuống cấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người dân đang sinh sống, cũng như làm ảnh hưởng đến bộ mặt, mỹ quan của thành phố.
Mặt khác, việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ cấp bách từ hệ thống luật pháp, cơ chế thực hiện.
Cụ thể, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 16 chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm (chung cư cấp D), tập trung tại các quận nội thành như quận 1,4,5,6, Tân Bình... với tổng số căn hộ khoảng 1.194 căn; trong đó sở hữu nhà nước 318 căn, sở hữu tư nhân 876 căn.
Những chung cư cấp D này cần phải di dời, tháo dỡ gấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang sinh sống.
[Để nhà chung cư cũ không còn nguy hiểm: Gỡ nút thắt cơ chế]
Để phục vụ di dời đối với 16 chung cư này, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đủ quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước và chấp thuận giao cho Ủy ban Nhân dân các quận sử dụng quỹ nhà này để tạm cư, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống tại chung cư cấp D trên địa bàn.
Kết quả đến nay, thành phố đã thực hiện di dời 673/1.194 hộ dân gồm toàn bộ 354 hộ dân tại 7/16 chung cư, di dời dở dang 319/566 hộ dân tại 5/16 chung cư và chưa di dời 4/16 chung cư trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố cũng đã tháo dỡ 4/16 chung cư với diện tích sàn tháo dỡ khoảng 14.470/46.368 m2 sàn.
Trong quá trình thực hiện tháo dỡ các chung cư cũ và di dời các hộ dân đến khu vực tạm trú, một số hộ dân chưa đồng thuận với những chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân.
Mặt khác, ngân sách thành phố còn hạn hẹp nên các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ chủ yếu được huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp; Nhà nước đề ra giải pháp thu hút nhà đầu tư tham gia thông qua cơ chế tăng chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, do các chung cư cũ nằm ở trong khu vực nội thành nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân hiện hữu của khu vực.
Trong khi đó, việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2.000, 1/500 đang gặp vướng mắc kéo dài, chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó mời gọi được Nhà đầu tư tham gia.
Đối với cơ chế miễn tiền sử dụng đất, cơ chế này được thực hiện theo pháp luật về nhà ở, nhưng pháp luật về đất đai và tài chính không thống nhất với pháp luật nhà ở, không rõ ràng, còn nhiều vướng mắc và nhiều cách hiểu khác nhau.
Bên cạnh đó, thực tế tại một số chung cư cấp D trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích khuôn viên quá nhỏ (dưới 1.000m2) nên khi xây dựng mới lại nhà chung cư không đảm bảo việc tái định cư và lợi nhuận cho nhà đầu tư nên không mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Ngoài ra, đối với các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ đã có chủ đầu tư, trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc do có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người dân. Theo đó, phát sinh vướng mắc trong việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước chưa bán, chủ yếu vì các quy định liên quan xử lý các phần diện tích nhà, đất này không rõ ràng, nhiều quy định mâu thuẫn nhau theo các pháp luật chuyên ngành như nhà ở, quản lý tài sản công, đất đai./.