Nhiều hệ lụy từ việc mua phải giống cây trồng kém chất lượng trên mạng Internet
Nông dân mua phải giống giả, kém chất lượng, bị sâu bệnh… sẽ phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tốn kém chi phí, khiến năng suất cây trồng thấp, mùa màng thất thu, ô nhiễm.
Giống cây trồng không được kiểm tra về chất lượng được bán tràn lan trên mạng có thể ảnh hưởng tới chất lượng trồng trọt, gây hệ luỵ cho người nông dân và doanh nghiệp.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam” do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 26/12.
Ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhận định khi nhu cầu về giống cây ngày càng cao thì xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng cũng đang đem lại nhiều hậu quả, hệ lụy. Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân.
“Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu đa cấp. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân,” ông Định cho hay.
Theo ông Định, sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật; tuy nhiên hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung.
Cũng nêu lên thực trạng bất cập trong việc kinh doanh giống cây trồng, bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long dẫn chứng giống lúa OM34 do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu đang trình hồ sơ chờ Cục Trồng trọt phê duyệt; thế nhưng dù chưa được lưu hành vẫn đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh loại giống này.
“Ngoài ra hiện tượng 'bao trắng' (giống không có nhãn hiệu) và việc rao bán giống chưa qua kiểm nghiệm cho bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tạo ra những thách thức lớn về an toàn và chất lượng sản phẩm,” bà Tiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Nafoods cũng chỉ ra rằng trên thị trường cây giống, đặc biệt là cây ăn quả, vẫn tồn tại hiện tượng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
“Còn nhiều doanh nghiệp không đầu tư máy móc, công nghệ mà lại sử dụng các phương thức kiểm nghiệm thông thường. Giống của họ không đảm bảo, gây nhiễu loạn thị trường, đây là tình trạng đáng báo động. Các doanh nghiệp không tuân theo quy trình bài bản sẽ ảnh hưởng từ trên xuống và người nông dân sẽ là đối tượng chịu rủi ro,” ông Viết nhấn mạnh.
Trong thực tế, việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng sẽ đem lại nhiều hệ luỵ. Khi người nông dân mua phải giống giả, giống kém chất lượng, giống bị sâu bệnh…, họ phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tốn kém chi phí, khiến năng suất cây trồng thấp, mùa màng thất thu, môi trường ô nhiễm. Còn về phía doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống uy tín bị lợi dụng làm ảnh hưởng thương hiệu, gây tình trạng rối loại trên thị trường giống cây trồng, thật giả lẫn lộn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vấn đề quản lý, xử phạt mua bắn qua mạng thuộc kiểm soát của Bộ Công Thương cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, phía Cục Trồng trọt không có thẩm quyền xử lý, xử phạt. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt sẽ tổng hợp ý kiến từ phía các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, sau đó gửi văn bản sang phía hai Bộ trên.
Ông Nguyễn Như Cường đặc biệt nhấn mạnh, với hiện tượng lừa đảo mua giống trên mạng, người quyết định mua giống cuối cùng là người nông dân và cũng không có quy định xử phạt người nông dân khi mua các giống “bao trắng.” Do đó, hiện nay chỉ có giải pháp tuyên truyền để người dân nhận thức được rằng họ có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, loại bỏ đi những giống kém chất lượng./.