Nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Hiện nay, nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường, khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp ổn định và phát triển thị trường minh bạch, bền vững, tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại các doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng có nhiều văn bản đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

[Doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu]

Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn tạm thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm thời gian đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu có phương án tái cơ cấu các khoản nợ.

Về phía doanh nghiệp, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại nguồn vốn phù hợp với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; đảm bảo có đủ nguồn lực để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đảm bảo nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu; thực hiện đầy đủ quy định về công bố, công khai thông tin.

Cùng với đó, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhà đầu tư theo phương án phát hành đã được công bố, củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và các hoạt động kiểm toán để tăng cường tính công khai, minh bạch giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan để quyết định việc đầu tư trái phiếu.

Kể từ sau khi các vụ việc vi phạm liên quan Tập đoàn Tân Hoàng MinhTập đoàn Vạn Thịnh Phát được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết trong quý 1, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được 24.708 tỷ đồng; trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3/2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng.

So với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP.

Trong năm 2022, có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành và giảm tới 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu trở nên khó khăn với các doanh nghiệp, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao đã tăng thêm áp lực về vốn đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh, thanh khoản của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn sụt giảm nghiêm trọng, cùng với việc doanh thu và lợi nhuận kinh doanh giảm mạnh càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp./.

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)