Nhiều dư địa trong hợp tác về logistics giữa Việt Nam-Singapore
Singapore là quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ logistics và tiềm năng liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều dư địa.
Ngày 5/4, Tọa đàm “Việt Nam-Singapore: Logistics, Thương mại và Kết nối” đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Cục Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương Việt Nam, Cơ quan Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều Singapore (SCCCI) và Hiệp hội Logistics Singapore (SLA).
Diễn ra tại trụ sở SCCCI, tọa đàm đã thu hút sự tham dự đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực logistics và thương mại.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Đoàn công tác Bộ Công thương Việt Nam tới Singapore tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực logistics giữa Việt Nam và Singapore.
[Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore]
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng đánh giá đây là hoạt động rất có ý nghĩa, phản ánh sự năng động của các doanh nghiệp cũng như tinh thần làm việc thực nhất và cụ thể của Bộ Công Thương và nhu cầu kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Singapore, nhất là trong lĩnh vực logistics, thương mại và dịch vụ.
Singapore là quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ logistics và tiềm năng liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều dư địa.
Trong khi đó, ông Kho Choon Keng, Chủ tịch SCCCI, cho biết ông rất vui mừng khi Việt Nam đã hồi phục nhanh chóng sau dịch COVID-19 với mức tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2023 là 6,0%.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp Singapore. Với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, được đào tạo, Việt Nam ngày càng thu hút các doanh nghiệp quốc tế tới đầu tư.
Các ngành logistics, chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới.
Các thông tin về tình hình thị trường, cơ hội, tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực logistics đã được đại diện các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp hai nước chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Cho tới thời điểm này, Singapore vẫn là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu về logistics. Chỉ số hiệu quả logistics (theo công bố của Ngân hàng Thế giới) của Singapore xếp thứ 7/160 quốc gia. Singapore cũng sở hữu hệ thống cảng biển lớn và hiện đại bậc nhất thế giới.
Việt Nam hiện có trên 30.000 doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi, giao nhận, chuyển phát,… Chính phủ Việt Nam xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Vì thế, ngành logistics luôn được Việt Nam quan tâm và chú trọng. Chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam đứng thứ 3/10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, và đứng thứ 39/160 trên toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Keith Tan Keng Soon, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của SCCCI, cho biết: “Tôi rất vui mừng khi Bộ Công Thương cử đoàn công tác và các doanh nghiệp sang Singapore trao đổi trực tiếp. Với nền kinh tế và thương mại đang phát triển, lĩnh vực logistics rõ ràng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng ở Việt Nam. Chúng tôi đang xem xét một số công ty mà chúng tôi hy vọng có thể có cơ hội trở thành đối tác của họ và có thể trở thành nhà đầu tư vào các công ty này tại Việt Nam. Chúng tôi hiện đang thảo luận với ba công ty, và cũng đã bắt đầu quy trình thẩm định. Chúng tôi hy vọng rằng một khi quá trình thẩm định diễn ra suôn sẻ, chúng tôi có thể sẽ đầu tư vào Việt Nam.”
Ông Wang Swee Kit Winston, Giám đốc điều hành Công ty Kiomkee Pte.Ltd, cho biết tham gia vào tọa đàm này, ông kỳ vọng sẽ gặp được một số đối tác có thể làm dịch vụ logistics đông lạnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Hiện công ty Kimomkee chuyên về sản xuất Dim Sum của ông đã và đang có kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại Singapore và sang các nước khác. Lý do ông lựa chọn Việt Nam bởi Việt Nam là một đất nước thân thiện và có môi trường rất tốt để kinh doanh, phát triển./.