Nhiều dư địa tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và Áo

Áo là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Âu; kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, gấp 13 lần so với năm 2010; năm 2021 đạt trên 3,3 tỷ USD và năm 2022 đạt 2,79 tỷ USD.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo.

Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc thêm mối Quan hệ Hữu nghị Hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Hơn 5 thập kỷ kể từ khi hai nước chính thức thiết lập Quan hệ Ngoại giao vào ngày 1/12/1972, tuy cách xa về mặt địa lý nhưng Việt Nam và Áo luôn duy trì mối quan hệ gắn bó, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Đặc biệt, Áo là một trong số các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 2,79 tỷ USD.

Quan hệ chính trị-ngoại giao luôn được tăng cường

Khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, ngày 1/12/1972, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việt Nam mở Đại sứ quán thường trú tại Áo vào tháng 7/1991, còn Áo mở Đại sứ quán thường trú tại Việt Nam vào ngày 21/9/1998.

Kể từ đó, sự hợp tác giữa hai nước phát triển liên tục thông qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao. Đặc biệt, mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước.

Phía Cộng hòa Áo có các chuyến thăm của: Tổng thống Liên bang Thomas Klestil (tháng 3/1995); Chủ tịch Quốc hội Liên bang Heinz Fischer (tháng 4/1997); Thủ tướng Liên bang Wolfgang Schuessel dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội (tháng 10/2004); Chủ tịch Hội đồng Liên bang Sissy Roth-Halvax (tháng 5/2006); Tổng thống Áo Heinz Fischer (tháng 5/2012).

Về phía Việt Nam là các chuyến thăm của: Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 4/1998); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 6/2008); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Áo Christian Kern bên lề Hội nghị Davos 2017 (tháng 1/2017); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Áo (tháng 10/2018) và gần đây nhất là chuyến thăm Áo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 9/2021).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Áo tháng 9/2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặc biệt, kể từ sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Áo vào tháng 10/2018, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển rõ rệt, thể hiện qua hàng loạt các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước như thỏa thuận giữa hai công ty Magna Steyr, AL List của Áo và Tập đoàn Vin Group của Việt Nam về xây dựng thương hiệu ô tô Vinfast...

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước trong chuyến thăm này, hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Cộng hòa Áo về hợp tác trong lĩnh vực Công nghiệp 4.0 và Thương mại Điện tử. Đây được xem là nền tảng quan trọng để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg (giữa) cùng các thành viên trên đường (phố Ngô Quyền) đến dự buổi hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước cũng tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu và trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-EU.

Hai bên trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, chia sẻ lập trường về Biển Đông về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Áo thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu

Thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại là một trong những ưu tiên trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế tại mỗi nước. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) từ khi có hiệu lực (tháng 8/2020) đã mang lại những kết quả tích cực cho phát triển thương mại giữa Việt Nam và Áo. Kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương có xu hướng tăng trưởng khả quan.

Hiện nay, Áo là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010; năm 2021, đạt trên 3,3 tỷ USD và năm 2022 đạt 2,79 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang Áo là điện thoại và linh kiện điện thoại, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may... Ngược lại, Việt Nam nhập từ Áo dược phẩm, máy móc, thiết bị, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu.

[Tăng cường Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Cộng hòa Áo]

Việt Nam là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp thế mạnh của Áo quảng bá sản phẩm và mở rộng hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam cũng là cửa ngõ để sản phẩm, dịch vụ của Áo tiếp cận với thị trường 670 triệu dân của ASEAN.

Hiện hai nước đang nỗ lực tận dụng hiệu quả các cơ hội của Hiệp định EVFTA, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của hai nước tiếp cận thị trường của nhau; đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như tài chính xanh, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường…

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Magnus Brunner, Quốc vụ khanh Bộ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, Môi trường, Năng lượng, Sáng tạo và Công nghệ Áo nhằm thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Cộng hòa Áo về năng lượng và phát triển bền vững đồng thời tăng cường thương mại song phương. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Về đầu tư, lũy kế đến 20/11/2022, Áo có 43 dự án còn hiệu lực đang đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 148,59 triệu USD, đứng thứ 44 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, Áo đang thực hiện các thủ tục để sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).

Việt Nam luôn đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ Áo đã dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các dự án tín dụng ưu đãi của Áo trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế cơ sở, phát triển nông thôn, giao thông đường bộ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực

Về hợp tác đào tạo nghề và lao động, Việt Nam và Áo luôn mong muốn hợp tác đặc biệt trong hai lĩnh vực công nghệ thông tin và điều dưỡng viên.

Trong thời gian tới, phía Áo cho biết có nhu cầu lớn đối với lao động có trình độ chuyên môn trong hai lĩnh vực này. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ quan liên quan sớm khởi động dự án thí điểm về thực hiện mô hình đào tạo nghề của Áo tại Việt Nam.

Theo mô hình này, chương trình sẽ được xây dựng theo hướng dành 20% thời gian để học tập tại cơ sở đào tạo, 80% thời gian còn lại sẽ dành để học viên thực hành kết hợp làm việc thực tế tại doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động trực tiếp.

Quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Áo trong thời gian qua cũng có những bước phát triển. Hằng năm, Áo đều cử chuyên gia, giáo sư giảng dạy tại Khoa Sân khấu, Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo tháng 9/2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Áo cũng cung cấp cho Việt Nam khoảng 20 học bổng đào tạo sau đại học mỗi năm. Đại sứ quán Cộng hòa Áo tại Hà Nội hỗ trợ một số tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường đại học có đào tạo tiếng Đức tại Hà Nội…

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Áo có khoảng hơn 5.000 người, chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg, cộng đồng người Việt là một trong những cộng đồng người nước ngoài được trân trọng về sự cần cù, chăm chỉ, đóng góp cho kinh tế, xã hội sở tại./.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

(Vietnam+)