Nhiều doanh nghiệp hoãn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM
Trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều bất định, nội tại ngành khó khăn, một số doanh nghiệp đã lùi kế hoạch niêm yết trên HOSE, thay vì theo chiến lược đã đề ra trước đó.
Việc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) thường là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng giá trị, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, minh bạch hơn trong mắt nhà đầu tư và khách hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều bất định, nội tại ngành khó khăn, một số doanh nghiệp đã lùi kế hoạch niêm yết trên HOSE, thay vì theo chiến lược đã đề ra trước đó.
HOSE vừa thông báo nhận được công văn của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (UpCOM: PHS) về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu.
Trước đó, ngày 8/11/2022, HOSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 150 triệu cổ phiếu PHS của Chứng khoán Phú Hưng, tương ứng vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng.
Lý do xin rút hồ sơ được công ty đưa ra là do tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông.
Sau khi tình hình thuận lợi hơn, PHS sẽ tiến hành các bước theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu. Theo đó, HOSE sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Chứng khoán Phú Hưng. Trường hợp công ty nộp lại hồ sơ, HOSE sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.
[HOSE: Nhiều doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính sau kiểm toán]
Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Hội đồng Quản trị Chứng khoán Phú Hưng đánh giá năm 2022 chưa phải là thời điểm thích hợp để thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như kế hoạch niêm yết cổ phiếu PHS lên HOSE.
Do đó, Hội đồng quản trị đề xuất hủy hồ sơ tăng vốn điều lệ năm 2022 tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hồ sơ niêm yết cổ phiếu PHS lên HOSE. Hội đồng quản trị sẽ đánh giá lại khi điều kiện thị trường được cải thiện.
Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Tôn Đông Á cũng vừa rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên HOSE. Theo công ty này, lý do xin rút hồ sơ là do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan. Do đó, công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Với diễn biến bất lợi từ thị trường, năm 2022, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.614 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lỗ ròng 276 tỷ đồng trong khi năm trước lãi đến 1.210 tỷ đồng.
Như vậy, HOSE sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Công ty cổ phần Tôn Đông Á và trong trường hợp công ty nộp lại hồ sơ, HOSE sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) dự kiến trình cổ đông kế hoạch hủy đăng ký niêm yết trên HOSE như kế hoạch đã được thông qua trước đó.
Lý do được đưa ra do kế hoạch niêm yết trên HOSE hiện không còn phù hợp với định hướng của Samland trong thời gian tới.
Với diễn biến bất lợi từ thị trường bất động sản, năm 2022 Samland ghi nhận lỗ gần 62 tỷ đồng và tiếp tục đặt kế hoạch lỗ thêm gần 16 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong quý 1 vừa qua, ngoại trừ sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, chỉ có một cổ phiếu (PVP - Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương) niêm yết mới trên sàn HOSE. Điều này phần nào phản ánh những lo ngại của các doanh nghiệp trước những biến động mạnh của thị trường tài chính vừa qua.
Tuy vậy, nhiều khả năng sàn HOSE dự kiến sẽ sôi động trở lại từ quý 2 này với một loạt doanh nghiệp đang lên kế hoạch chuyển sàn niêm yết qua HOSE.
Giữa tháng Ba vừa qua, HOSE nhận nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu. Cụ thể, Tập đoàn Dược Bảo Châu đăng ký niêm yết 21,5 triệu cổ phiếu BCH trên sàn HOSE, tương ứng vốn điều lệ là 215 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR); Công ty cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu hay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (UpCOM: NAB) lên kế hoạch niêm yết sàn HNX hoặc HOSE tùy điều kiện của thị trường…
Mặt khác, theo Thông tư 57/2021/TT-BTC về lộ trình sắp xếp lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu, giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán có quy định, từ ngày 1/7 tới đến chậm nhất hết ngày 31/12 tới, HOSE tiếp nhận cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Chậm nhất đến hết ngày 30/6/2025, HOSE thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường cổ phiếu đăng ký giao dịch của tổ chức chưa niêm yết theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, quy mô thị trường của HOSE sẽ tăng lên rất nhanh kể từ nửa cuối năm nay, khi các cổ phiếu sàn HNX và UpCOM đồng loạt về chung “một nhà.”./.