Nhiều điểm mới 'cởi trói' cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước
Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật mới cần làm rõ các khái niệm chưa có trong các văn bản trước đây để tránh tạo khoảng trống pháp lý khi luật được ban hành.
Dự thảo “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp” tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do Bộ Tài chính tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/8.
Ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Luật mới sẽ thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã bổ sung một số điểm mới so với quy định tại Luật số 69 để phù hợp yêu cầu thực tiễn như bổ sung đối tượng điều chỉnh bao gồm doanh nghiệp do nhà nước nắm từ trên 50% vốn điều lệ tới dưới 100% vốn điều lệ (bao gồm cả doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp) để khắc phục tình trạng có khoảng trống pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ quy trình, thủ tục, phân công rõ nhiệm vụ các cơ quan, hồ sơ yêu cầu, nội dung thẩm tra đối với việc báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo cập nhật một số lĩnh vực mới mà nhà nước cần đầu tư vốn tại doanh nghiệp; luật hóa quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện chủ sở hữu... về quản lý nhà nước tại doanh nghiệp, các vấn đề có liên quan trước Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Ông Võ Hữu Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những đánh giá tổng quát, bám sát cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, đã thể chế hóa một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo mới, đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; góp phần đưa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát triển nhanh, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội.
“Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều cách tiếp cận rất mới so với Luật số 69/2014/QH13. Tuy nhiên, qua quá trình 10 năm thực hiện, Luật 69/2014/QH13 có nhiều nội dung vẫn còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để đưa vào dự thảo Luật các nội dung mang tính nguyên tắc chung còn phù hợp của Luật số 69/2014/QH13 để các doanh nghiệp có cơ sở áp dụng thống nhất. Một số nội dung đề nghị xem xét kế thừa từ Luật số 69/2014/QH13 liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như: Đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; quản lý, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu; quản lý nợ phải trả; đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp...” - ông Võ Hữu Hạnh nêu góc nhìn.
Liên quan đến việc quản lý nguồn vốn hay quản lý pháp nhân đối với doanh nghiệp, ông Võ Hữu Hạnh cho rằng cần xây dựng chính sách về chủ sở hữu vốn của nhà nước đầu tư và được quản lý theo dòng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, không quản lý pháp nhân của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý giám sát.
Ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Như vậy, cần hiểu nhà nước là nhà đầu tư và sẽ quản lý dòng vốn đầu tư trực triếp tại các công ty/tổng công ty (cấp 1).
Trong trường hợp công ty có phần vốn nhà nước chi phối đầu tư sang công ty cấp 2 thì việc quản lý dòng vốn tại công ty cấp 2 nên giao thẩm quyền cho cho công ty cấp 1, không cần khái niệm “vốn nhà nước đầu tư khác” để tránh nhầm lẫn giữa các dòng vốn. Kể cả đối với vấn đề nhân sự ở công ty cấp 2 cũng nên giao thẩm quyền quyết định cho công ty cấp 1 mà không nhất thiết phải trình chủ sở hữu vốn nhà nước nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính.
Về việc trích quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận sau thuế, ông Nguyễn Năng Toàn cho rằng, đề xuất trích 80% như dự thảo là hợp lý, một số trường hợp đặc thù có thể áp dụng mức 90-100%. Đây là nguồn quỹ đầu tư cho phát triển và bổ sung, tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp.
Bà Lê Ngọc Thuỳ Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cho rằng, nội dung về quản lý đầu tư trong Dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã “cởi trói” cho chính doanh nghiệp.
Theo quy định trước đây, dù chỉ bổ sung 1 đồng vốn điều lệ doanh nghiệp cũng phải đi xin chủ trương của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo Dự thảo Luật mới thì chỉ khi bổ sung vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng mới phải xin chủ trương, còn nếu bổ sung vốn điều lệ dưới 1.000 thì đại diện doanh nghiệp có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm với cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật mới cần làm rõ các khái niệm chưa có trong các văn bản trước đây để tránh tạo khoảng trống pháp lý khi luật được ban hành, không thống nhất với nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư và việc theo dõi quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình đầu tư vốn của nhà nước.
Để bảo đảm mục tiêu hoàn thiện chính sách, yêu cầu về phân công rõ, phân cấp mạnh tại Dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần quy định theo hướng nhà nước quản lý vốn đầu tư thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn, không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước./.