Nhiều địa phương ‘thay da đổi thịt’ nhờ đồng vốn Agribank

Nguồn vốn tín dụng dành cho "tam nông" đang giúp kinh tế khu vực nông thôn "thay da, đổi thịt" từng ngày, điển hình là tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Trang trại gà nhà chị Trần Thị Vân ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Vietnam+)

Xác định rõ vai trò nòng cốt của "tam nông," ngành ngân hàng thời gian qua đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn giản thủ tục cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.

Trong 10 năm trở lại đây, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực "tam nông" đã được ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, sau được thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và đến năm 2018 được sửa đổi bằng Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các nghị định này quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào.

Có thể nói, "tam nông" vẫn luôn là lĩnh vực được ngành ngân hàng dành sự hỗ trợ tối đa. Tại nhiều địa phương trong cả nước, nguồn vốn tín dụng "tam nông" đang giúp kinh tế khu vực nông thôn "thay da, đổi thịt" từng ngày.

[Agribank tạo sức bật mới, phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương]

Về xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt rạng ngời, thân thiện. Đi khắp mọi nẻo đường điều dễ thấy nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, nhà cửa khang trang, thôn nào cũng có những con đường rực rỡ sắc hoa.

Ông Dương Văn Tuyến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Quan cho biết, hiện Tam quan có gần 15.000 người dân với diện tích 2.780km2, đã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2018, phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao năm 2025. Trong hành trình ấy, có phần không nhỏ của đồng vốn Agribank.

Cũng theo ông Tuyến, được sự quan tâm của Agribank, tiêu chí thu nhập của người dân địa phương đến nay đã đạt mức bình quân 40 triệu đồng/năm, trong khi trước năm 2020, mới chỉ đạt trên dưới 30 triệu đồng. Cũng từ việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ngân hàng, người dân mới có tiền xây nhà, ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, nghĩa trang, hiến đất phá tường rào mở rộng đường giao thông nông thôn.

"Nếu không có nguồn vốn của Agribank đến giờ phút này bộ mặt của xã Tam Quan không được như hiện nay,” ông Tuyên nhấn mạnh.

Lời ông Tuyên nói quả không sai khi dẫn chúng tôi đến tham quan tại trang trại gà của gia đình chị Trần Thị Vân ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo gồm 3 khu, với 5 vạn con. Lợi nhuận bình quân đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Chị Vân kể, ngày đầu lập nghiệp với chút "vốn mồi" từ Agribank, vợ chồng chị đã bắt tay gây dựng sự nghiệp. Sau nhiều năm cần mẫn, gia đình chị đã có được cơ ngơi bề thế là một trang trại nuôi gà.

"Để có được cơ ngơi ngày hôm nay, không thể thiếu sự đồng hành của Agribank. Từ khoản vay nhỏ, rồi tăng dần lên và đến nay dư nợ với ngân hàng lên tới 4,5 tỷ đồng. Làm ăn khấm khá, điều khiến tôi vui nhất bên cạnh việc đảm bảo cuộc sống gia đình là mang lại việc làm cho bà con khu xóm. Hiện lương công nhân tại trang trại ngoài nuôi cơm, mỗi tháng nhận về hơn 7 triệu đồng. Làm giàu cho chính mình, và giúp bà con tăng thu nhập cũng chính là góp phần xây dựng nông thôn mới," chị Vân chia sẻ.

Tương tự, hộ gia đình ông Bùi Quang Hiệu (ở khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có được cơ ngơi khang trang như hôm nay không thể không nhắc tới vai trò đồng hành của Agribank chi nhánh huyện Lâm Thao.

Bắt tay vào chăn nuôi từ năm 2001, quá trình nuôi lợn, gà của ông Hiệu không thiếu những thăng trầm. Ông Hiệu nhớ nhất thời điểm năm 2017-2018, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ các nước, trang trại lợn của ông lỗ tới 14 tỷ đồng do giá thịt lợn trượt dốc thê thảm. Rồi đến đợt dịch COVID-19 hoành hành, trang trại lợn và nhà máy cám của ông cũng chịu ảnh hưởng không ít.

"Nếu những lúc như thế, không có sự đồng hành của ngân hàng thì những hộ chăn nuôi như chúng tôi sẽ gặp vô vàn khó khăn. Gần đây nhất, để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay đồng thời tiếp tục cho vay mới, nhờ vậy nên gia đình tôi vẫn bảo đảm được nguồn tài chính để tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh," ông Hiệu cho biết.

Hiện nay, hộ ông Hiệu đang có hạn mức vay 7 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm tại Agribank chi nhánh Lâm Thao.

Còn ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của Agribank, bà con tiếp cận được nhiều gói vay ưu đãi lãi suất. Đến nay xã Ngọc Mỹ có tổng dư nợ 111 tỷ đồng, tương ứng trên 500 hộ dân. Sau khi tiếp cận với nguồn vốn, bà con đầu tư chăn nuôi bài bản hơn. Trong quá trình sử dụng vốn, việc trả chậm nợ quá hạn không xảy ra trên địa bàn. Nhờ có đồng vốn, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương hiện đã đạt 40 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 50 triệu đồng.

Ông Trần Đức Long - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, cho vay phát triển kinh tế, nông nghiệp-nông thôn là nhiệm vụ chính trị gắn với sứ mệnh của Agribank. Chính vì vậy, Agribank luôn coi đây là thị trường trọng điểm, cốt lõi để đầu tư nhiều nguồn lực gìn giữ và phát triển.

Đến thời điểm 31/7, dư nợ cho vay trên địa bàn nông nghiệp-nông thôn của Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc đạt 9.200 tỷ đồng chiếm 70%/tổng dư nợ chi nhánh. Trong quá trình cho vay nông nghiệp-nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tìm kiếm dự án mô hình sản xuất kinh doanh phương án hiệu quả để đầu tư vốn như nông nghiệp sạch, công nghệ cao, mô hình liên quan đến kinh tế tuần hoàn./.

Thùy Linh (Vietnam+)