Nhiều bệnh nhân ghép phổi và y học tái tạo sẽ được thanh toán BHYT

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Bệnh viện Phổi TW làm đầu mối, phối hợp với BHXH và các đối tác hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi, y học tái tạo, gắn với thanh toán bảo hiểm y tế.

Giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: báo Sức khỏe & Đời sống)

Hội thảo khoa học với chủ đề “Y học kỹ thuật cao: Ghép phổi và Y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam-Thực trạng và giải pháp,” tổ chức ngày 16/5/, tại Hà Nội.

Hội thảo do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo thuộc Bộ Y tế; Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tổ chức.

Đây là hoạt động trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực ghép phổi, y học tái tạo trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối tại Việt Nam và quốc tế.

Hội thảo có sự tham dự của hai chuyên gia về ghép phổi và ECMO đến từ Đại học California và San Francisco của Hoa Kỳ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức phát triển kỹ thuật cao chuyên sâu về ghép phổi, y học tái tạo, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế của Việt Nam.

Khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ về công tác nâng cao chăm sóc sức khỏe phổi tại nước ta. Gánh nặng bệnh phổi có chiều hướng gia tăng đáng kể nhất là sau giai đoạn đại dịch COVID-19. Điều này càng làm cho nhu cầu phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đáp ứng nhu cầu của người dân.

[Bệnh nhân ghép phổi sẽ thừa hưởng quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất]

“Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực; hoàn thành xuất sắc đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao về chuyên môn, mở ra cơ hội sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, nhiều thử nghiệm lâm sàng trong và ngoài nước đã chứng minh tế bào gốc và tế bào miễn dịch có tiềm năng rất lớn trong điều trị các bệnh phổi giai đoạn muộn...,” Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thông tin.

Hoan nghênh Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của Bệnh viện hướng tới phát triển hai nhóm kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, cũng là mũi nhọn công nghệ cao của ngành Y tế, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển toàn diện sau đại dịch COVID-19.”

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng các thành tựu mới về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Y tế luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo, đầu tư bởi khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Bộ Y tế nhất trí ủng hộ định hướng phát triển hai mũi nhọn công nghệ cao về ghép phổi và y học tái tạo mà Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất. Việc triển khai các kỹ thuật cao này đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực từ các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn, học thuật, đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt cần sự vào cuộc mạnh mẽ của bảo hiểm y tế để đảm bảo tính khả thi, bền vững,” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.

Thứ trưởng đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, Bảo hiểm Xã hội và các đối tác hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi, y học tái tạo, gắn với thanh toán bảo hiểm y tế. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, cập nhật về y học kỹ thuật cao liên quan đến ghép phổi và y học tái tạo tại Hoa Kỳ, Việt Nam. Các bài trình bày, chia sẻ của báo cáo viên đã cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco (Hoa Kỳ), việc ghép mô tạng, ghép phổi, phẫu thuật tim hở tại Việt Nam; vai trò của tế bào gốc và tế bào miễn dịch trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối.

Tiến sỹ-bác sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương tại Hội thảo. (Nguồn: báo Sức khỏe & Đời sống)

Các đại biểu được cập nhật về ứng dụng của ECMO trong phẫu thuật tim phổi, ghép phổi và triển vọng của ghép phổi tạo cơ hội nâng cao thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân xơ phổi, bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn. Đây là nội dung rất có ý nghĩa với người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này.

Các đại biểu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ y tế, tăng cường đầu tư, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo gắn với thanh toán bảo hiểm y tế…

Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành lao và bệnh phổi, thực hiện thường quy hầu hết các kỹ thuật cao cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao, mở ra cơ hội sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác...

Tính đến cuối tháng Ba vừa qua, Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng, nhưng mới chỉ có 10 ca ghép phổi; trong đó 9 ca từ người cho chết não, một ca hiến phổi từ người cho sống. Mỗi năm, Bệnh viện Phổi Trung ương thường có từ 20-40 người chờ ghép phổi. Đa phần bệnh nhân không chờ được để ghép tạng. Bên cạnh khó khăn về nguồn tạng hiến còn là khó khăn về tài chính cho một ca ghép phổi.

Chia sẻ về ca ghép phổi thành công nhất tại Việt Nam cách đây 3 năm, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng cho biết bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi kiểm tra định kỳ tại bệnh viện. Bệnh nhân có thể làm việc nhà như bình thường.

Ca ghép phổi này, bệnh nhân được thanh toán 35% chi phí, được Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thanh toán một phần, phần còn lại bệnh nhân phải chi trả. Rất may, ca bệnh này không có nhiều biến chứng nên chi phí không tăng. Chi phí một ca ghép phổi lên đến cả tỷ đồng sẽ là một gánh nặng lớn với người bệnh./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)