Nhật Bản xin lệnh của tòa án để giải tán Giáo hội Thống nhất
Hồ sơ đệ trình tòa án bao gồm gần 5.000 bằng chứng thu thập được từ quá trình thẩm vấn hơn 170 người có liên quan đến Giáo hội Thống nhất.
Ngày 13/10, Bộ Giáo dục và Văn hóa của Nhật Bản đã đề nghị tòa án ở Tokyo giải thể một tổ chức tôn giáo của nước này, từng được gọi là Giáo hội Thống nhất.
Hồ sơ đệ trình tòa án bao gồm gần 5.000 bằng chứng thu thập được từ quá trình thẩm vấn hơn 170 người có liên quan đến tổ chức tôn giáo. Trong đó, có phần nội dung lập luận rằng các hoạt động của nhóm vi phạm pháp luật và gây nguy hại đáng kể đến lợi ích của cộng đồng.
Động thái trên diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài gần một năm về hoạt động tôn giáo gây tranh cãi mà nhóm trên đã thực hiện, bao gồm việc thu hút những khoản quyên góp từ các thành viên mà sau này họ nói rằng gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính.
Nếu tòa chấp nhận đề nghị trên, nhóm tôn giáo này sẽ mất tư cách pháp nhân trong lĩnh vực tôn giáo và sẽ không còn được hưởng các quyền lợi về thuế, nhưng vẫn có thể hoạt động như một thực thể tôn giáo ở Nhật Bản.
[Nhật Bản yêu cầu Giáo hội Thống nhất giải trình vấn đề nhận con nuôi]
Đã có những chỉ trích đối với tổ chức tôn giáo này vì những hoạt động được cho là “buôn bán tâm linh.”
Chính phủ cũng đã tăng cường giám sát các hoạt động của nhóm sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 7/2022. Nghi phạm ám sát ông Abe khai rằng động cơ gây án là do những hành động gây quỹ của tổ chức khiến gia đình anh ta lâm vào khó khăn về tài chính.
Theo luật pháp của Nhật Bản, các cơ quan chức năng của chính phủ có quyền yêu cầu tòa án tước tư cách pháp nhân của một tổ chức tôn giáo nếu tổ chức này "có hành động được xác định rõ ràng là gây tổn hại đáng kể đến lợi ích của cộng đồng."
Cho đến nay, có hai nhóm tôn giáo đã nhận được yêu cầu giải thể từ tòa án do vi phạm pháp luật. Trong số đó có vụ giải thể nhóm tôn giáo AUMShinrikyo hồi năm 1995 sau khi nhóm này tiến hành vụ tấn công bằng khí độc sarin trên hệ thống tàu điện ngầm Tokyo cùng hàng loạt vụ vi phạm pháp luật khác mang tính chất nghiêm trọng./.