Nhật Bản: Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế nhanh nhất kể từ năm 2020

GDP thực tế của Nhật Bản từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2023, đã điều chỉnh lạm phát, đạt 560.740 tỷ yen (3.900 tỷ yen). Đây là quý thứ ba liên tiếp chỉ số này tăng, cao hơn mức dự báo 2,41% trước đó.

Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 15/8, Chính phủ Nhật Bản đã công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2023) ở mức 6%, cao hơn dự kiến và là mức tăng nhanh nhất kể từ quý tính từ tháng 10 đến tháng 12/2020.

Động lực tăng trưởng được cho là sức bật mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu ôtô và phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt nhờ lượng khách quốc tế đến Nhật Bản. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân bất ngờ giảm gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.

Cụ thể, GDP thực của Nhật Bản từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2023, đã điều chỉnh lạm phát, đạt 560.740 tỷ yen (3.900 tỷ yen). Đây là quý thứ ba liên tiếp chỉ số này tăng, với mức tăng cao hơn mức dự báo 2,41% mà Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản đưa ra trước đó.

[Nhật Bản: Tiền lương thực tế của người lao động tiếp tục giảm]

Trong khi đó, GDP danh nghĩa tăng 2,9% so với quý trước đó và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, GDP của Nhật Bản đã quay lại mức trước đại dịch, đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay theo giá trị thực tế.

Trước khi các số liệu trên được công bố, ông Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng tại BNP Paribas, cho rằng xuất khẩu của Nhật Bản đã phục hồi trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung đối với lĩnh vực ôtô hạ nhiệt và đồng yen giảm giá hỗ trợ xuất khẩu.

Theo ông Hiroyuki Ueno, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty quản lý tài sản SuMi TRUST, nhu cầu gia tăng sau đại dịch COVID-19 và việc các công ty gia tăng đầu tư vốn đang thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Chuyên gia này nhận định ngành du lịch sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao Saisuke Sakai thuộc công ty nghiên cứu Mizuho Research & Technologies cho biết nhu cầu trong nước bất ngờ suy yếu bất chấp số liệu GPD cao. Theo ông, xuất khẩu mạnh nhưng nhập khẩu giảm, phản ánh phần nào nhu cầu trong nước đang suy giảm.

Thống kê cho thấy tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản giảm 0,5% do giá hàng hóa hằng ngày tăng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo giới chuyên gia, nhu cầu trong nước yếu báo hiệu điềm xấu cho nền kinh tế trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu làm dấy lên quan ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu./.

Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)