Nhật Bản thất bại trong việc phóng tên lửa thế hệ mới H3
Vào thời điểm phóng tên lửa thế hệ mới H3, người ta có thể thấy khói bay lên từ phía dưới của tên lửa chứng tỏ động cơ chính đã được kích hoạt, tuy nhiên tên lửa vẫn không rời bệ phóng.
Ngày 17/2, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã hủy vụ phóng tên lửa thế hệ mới H3 do có ít nhất một động cơ đẩy của tên lửa không kích hoạt bất chấp việc động cơ chính đã hoạt động.
Vụ phóng này được thực hiện tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima trên đảo Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima vào sáng cùng ngày.
Vào thời điểm phóng, người ta có thể thấy khói bay lên từ phía dưới của tên lửa. Điều này chứng tỏ động cơ chính đã được kích hoạt. Tuy nhiên, tên lửa vẫn không rời bệ phóng.
Theo JAXA, động cơ chính đã hoạt động 6,3 giây trước khi tên lửa rời bệ phóng theo kế hoạch. Các tên lửa đẩy dự kiến sẽ hoạt động 0,4 giây trước khi tên lửa rời bệ phóng, nhưng điều đó đã không xảy ra.
[Nhật Bản tiếp tục lùi thời điểm phóng tên lửa đẩy mới do thời tiết xấu]
Hiện nay, JAXA đang điều tra nguyên nhân khiến vụ phóng tên lửa này bị thất bại.
Trước đó, JAXA dự định phóng tên lửa H3 vào cuối vào cuối tháng 3/2021. Tuy nhiên, cơ quan này đã lùi thời gian phóng tới gần 2 năm do vấn đề liên quan tới động cơ mới phát triển LE-9 và việc thay thế linh kiện sau thất bại trong vụ phóng tên lửa Epsilon-6 hồi tháng 10/2022.
Khi đó, Epsilon-6 đã bị trục trặc ngay sau khi rời bệ phóng, khiến JAXA phải ra lệnh cho tên lửa tự hủy.
Tên lửa H3 có động cơ chính sử dụng nhiên liệu lỏng do hãng Mitsubishi Heavy Industries (MHI) phát triển và hai động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn do hãng IHI Aerospace - nhà sản xuất tên lửa Epsilon - chế tạo.
H3 có chiều cao 63m và đường kính 5,2m. Đây là bản nâng cấp quan trọng đầu tiên của phương tiện phóng mà Nhật Bản đã sử dụng hơn 20 qua. Tổng chi phí dành cho việc phát triển tên lửa thế hệ mới này lên tới 2 tỷ yen (14,85 triệu USD).
Tên lửa mới dự định sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu phóng vệ tinh ngày càng tăng trong những năm gần đây./.