Nhật Bản sẽ thiết lập tiêu chuẩn chính sách trợ cấp với Mỹ và EU
Theo quan chức Nhật Bản, nước này cùng Mỹ và EU có thể lập nhóm làm việc mới để thảo luận về các khoản trợ cấp được đề xuất, các yêu cầu cho hoạt động mua sắm công để đồng bộ hóa chính sách trợ cấp.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho hay nước này đặt mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn chung với Mỹ và châu Âu về trợ cấp cho xe điện (EV), chất bán dẫn và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Các cuộc thảo luận có thể bắt đầu sớm nhất là trong năm nay, bao gồm thông qua các cuộc họp “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế từ Nhật Bản và Mỹ, cũng như thông qua đối thoại kinh tế cấp cao giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Ông Nishimura cho biết ba bên cũng có thể thành lập một nhóm làm việc mới để thảo luận về các khoản trợ cấp được đề xuất, cùng các yêu cầu cho hoạt động mua sắm công. Mục tiêu là có thể đồng bộ hóa chính sách trợ cấp giữa các bên.
[Nhật Bản, Mỹ tăng cường hợp tác nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn]
Khuôn khổ mới có thể bao gồm các lĩnh vực như chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các nguyên liệu quan trọng, cũng như đầu tư vào chuyển đổi xanh. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đầu tư 20.000 tỷ yen (134 tỷ USD) vào chuyển đổi xanh trong vòng 10 năm tới.
Ba bên cũng có thể thảo luận về các yêu cầu về môi trường và các yêu cầu khác để đủ điều kiện nhận trợ cấp xe điện. Ông Nishimura cho biết Nhật Bản muốn hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm để thiết lập chuỗi cung ứng, khuôn khổ mua sắm mà không rơi vào chủ nghĩa bảo hộ.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt ra các quy định mới về điều kiện nhận trợ cấp và các ưu đãi khác, nhằm thu hút đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như EV. Ví dụ, Mỹ yêu cầu 50% thành phần pin của xe điện tính theo giá trị phải được sản xuất ở Bắc Mỹ để để sản phẩm đó đủ điều kiện nhận tín dụng thuế.
Theo giới quan sát, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ bắt nguồn từ lo ngại về tình trạng phụ thuộc vào các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng.
Nhật Bản đang phản ứng bằng kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn chung với Mỹ và châu Âu, chú ý đến các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy tắc quốc tế khác.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nishimura cũng nêu lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào khu vực được gọi là Nam toàn cầu (Global South), bao gồm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, chủ yếu ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Nhật Bản đặt mục tiêu đầu tư công và tư nhân trị giá 2.000 tỷ yen vào các quốc gia này trong vòng 5 năm./.