Nhật Bản phát hiện hóa chất PFAS trong 20% lượng nước máy

Kết quả trên được công bố ngày 29/11 sau khi các cơ quan chức năng phân tích mẫu nước thu thập được từ 332 trong số 1.745 công ty thuộc diện khảo sát tại 46/47 tỉnh của Nhật Bản từ tháng 5-9/2024.

Đồ họa mô tả các nguồn gây ra PFAS trong đời sống hàng ngày. (Nguồn: tmwa)

Trong cuộc khảo sát quy mô lớn đầu tiên do Chính phủ Nhật Bản tiến hành, các nhà nghiên cứu đã phát hiện PFAS – những hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người – trong khoảng 20% lượng nước máy tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Mặc dù vậy, không có mẫu nào trong số này chứa hàm lượng vượt ngưỡng cho phép mà Chính phủ Nhật Bản đề ra.

Chính phủ Nhật Bản hiện đặt mức giới hạn tạm thời là 50 nanogram/lít nước đối với 2 dạng PFAS điển hình gồm axit perfluorooctanesulfonic (PFOS) và axit perfluorooctanoic (PFOA). Căn cứ kết quả khảo sát, không có mẫu nào chứa các chất vượt quá ngưỡng này, nhưng kết quả phân tích các mẫu từ 3 công ty cấp nước ở tỉnh Aichi, Nagasaki và Hokkaido cho thấy những mẫu này chứa từ 47-49 nanogram PFAS/lít nước.

Kết quả trên được Bộ Môi trường và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch công bố ngày 29/11 sau khi phân tích mẫu nước thu thập được từ 332 trong số 1.745 công ty thuộc diện khảo sát tại 46/47 tỉnh của Nhật Bản kể từ tháng 5-9/2024.

Hướng khảo sát tập trung vào các biện pháp ngăn chặn PFAS kể từ năm 2020 sau khi các hóa chất được sử dụng trong nhiều sản phẩm như đồ làm bếp chống dính hay quần áo chống thấm nước này được phát hiện trong các nhà máy lọc và sông ngòi trên khắp cả nước, cũng như trong bối cảnh những quan ngại về mối liên hệ tiềm ẩn giữa PFAS với nguy cơ ung thư ngày càng gia tăng.

Phó Giáo sư nghiên cứu môi trường Koji Harada tại Đại học Kyoto cho rằng chính phủ nên yêu cầu tất cả các công ty cung cấp nước phải kiểm tra PFAS trong nước và đặt ra mức giới hạn theo hướng có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

PFAS, hay các chất polyfluoroalkyl, được sử dụng trong nhiều sản phẩm như đồ nấu nướng chống dính và quần áo chống thấm nước. Chúng được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì có các thành phần phân hủy rất chậm theo thời gian và có thể tích tụ trong cơ thể người, động vật, thực vật cũng như ngoài môi trường./.