Nhật Bản “mở cửa” đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam
Tiếp theo bài 1 của chùm bài giới thiệu thực trạng của xã hội Nhật Bản và cơ hội cho lao động Việt Nam, bài 2 đề cập tới một số nguyên nhân khiến nghề hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản khó tuyển nhân sự.
Mặc dù các lao động nước ngoài làm việc trong ngành y tế ở Nhật Bản có thu nhập và chế độ đãi ngộ cao hơn hẳn so với các lĩnh vực khác nhưng thời gian qua, công tác tuyển chọn các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam sang thị trường này vẫn gặp không ít khó khăn.
Bài 2: Vì sao nghề hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản vẫn khó tuyển nhân sự?
Tiếp theo bài 1 của chùm bài giới thiệu thực trạng của xã hội Nhật Bản và cơ hội cho lao động Việt Nam, bài 2 đề cập tới một số nguyên nhân khiến nghề hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản vẫn khó tuyển nhân sự.
Những nhân tố khách quan
Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (DOLAB), sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới công tác tuyển chọn ứng viên hộ lý, điều dưỡng cho thị trường Nhật Bản. Cụ thể, năm 2021, việc tuyển chọn các ứng viên khóa 10 diễn ra đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, bất chấp các nỗ lực của DOLAB nhằm tìm kiếm các ứng viên cho chương trình EPA như tổ chức hội thảo trực tuyến với các trường đào tạo điều dưỡng; đăng thông báo tuyển chọn trên các phương tiện truyền thông và mạng Internet; gửi công văn tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở các tỉnh, thành, nhưng sau 8 tháng triển khai, tới ngày 15/1/2022, DOLAB mới nhận được 284 hồ sơ dự tuyển, trong đó có 48 hồ sơ dự tuyển điều dưỡng và 236 hồ sơ dự tuyển hộ lý.
Ngày 19/1, DOLAB đã phối hợp với công ty Meiko Network Japan tổ chức thi tuyển trực tuyến. Căn cứ kết quả thi, DOLAB đã chọn ra 225 ứng viên đủ điều kiện, trong đó 36 ứng viên điều dưỡng và 189 ứng viên hộ lý. Tuy nhiên, tới thời điểm nhập học vào cuối tháng 2/2022, chỉ có 180 ứng viên trúng tuyển tới nhập học, tức là thấp hơn 60 người so với chỉ tiêu của phía Nhật Bản. Trong quá trình học tiếng Nhật sau đó, có 24 ứng viên đã xin dừng học vì lo lắng về tình hình dịch bệnh và các lý do cá nhân khác.
Đối với khóa 11, theo DOLAB, theo thông lệ, phía Nhật Bản thường gửi công hàm thông báo chỉ tiêu tuyển chọn trong khóa tiếp theo trước thời điểm bế giảng khóa đang đào tạo. Tuy nhiên, năm nay, phía Nhật Bản gửi thông báo muộn hơn 8 tháng. Do đó, việc triển khai tuyển chọn diễn ra khá gấp rút.
Trong Công hàm số No.JF:407/2022 ngày 19/5/2022, phía Nhật Bản thông báo số lượng tuyển chọn cho khóa 11 là 240 chỉ tiêu, tức là tương đương với chỉ tiêu của khóa 10. Tuy nhiên, cùng với dịch COVID-19, sự mất giá của đồng yen đã tác động không nhỏ tới tâm lý của các ứng viên. Vì vậy, ban đầu, DOLAB thông báo thời gian nhận hồ sơ là từ đầu tháng 6/2022 đến hết tháng 10/2022, nhưng gần đây, cơ quan này đã phải gia hạn thời gian nhận hồ sơ tới cuối tháng 1/2023.
Trước đó, phát biểu tại Hội thảo tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo hôm 6/9, ông Hiroaki Yagi, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc gia Nhật Bản (JITCO), cho biết thời gian qua, đồng yen đã mất giá nhanh chóng so với đồng USD, chủ yếu do những khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Điều này đã khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các lao động nước ngoài, từ đó gây khó khăn hơn cho khâu tuyển chọn lao động sang nước này làm việc.
Tiêu chuẩn khắt khe
Mặc dù sự mất giá của đồng yen và sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới công tác tuyển chọn ứng viên hộ lý và điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ là những nhân tố mang tính chất tạm thời. Nguyên nhân chủ yếu khiến công tác tuyển chọn gặp không ít khó khăn là do tiêu chuẩn đối với các ứng viên hộ lý và điều dưỡng cao hơn nhiều so với các ngành khác.
Cụ thể, ngoài tiêu chuẩn về độ tuổi, các ứng viên hộ lý và điều dưỡng cần phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành điều dưỡng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng sinh viên đăng ký theo học ngành điều dưỡng ở Việt Nam đang có xu hướng giảm, và bản thân Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điều dưỡng viên.
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Điều dưỡng Việt Nam ở Hà Nội hồi tháng 10/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực y tế, và sự thiếu hụt nhân lực điều dưỡng đã đến mức đáng báo động.
[Tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản với nhiều ưu đãi]
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng viên/10.000 dân ở Việt Nam mới đạt 16,5, trong khi Nghị quyết số 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 25 điều dưỡng viên/10.000 dân vào năm 2025 và 33 điều dưỡng viên/10.000 dân vào năm 2030.
Bên cạnh đó, trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản, các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam còn phải vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật và phải đạt chứng chỉ N3 hoặc tương đương trở lên. Đây là một rào cản không nhỏ đối với nhiều ứng viên bởi vì, tiếng Nhật là một trong những ngoại ngữ khó.
Mặt khác, việc rời xa gia đình để ra nước ngoài làm việc cũng khiến không ít ứng viên e ngại.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bà Yayoi Harashima, Phó Viện trưởng Bệnh viện Đại học Y Saitama - một trong những cơ sở y tế ở Nhật Bản đang tiếp nhận các ứng viên điều dưỡng Việt Nam, nói: “Các ứng viên Việt Nam phải xa gia đình nên chắc chắn rất buồn. Tuy nhiên, các bạn rất nỗ lực học tập để trở thành điều dưỡng viên. Chúng tôi rất trân trọng họ và rất muốn họ làm việc lâu dài tại bệnh viện của chúng tôi."
Ngoài ra, nghề hộ lý, điều dưỡng cũng là một công việc khá vất vả. Vì vậy, nếu không có sự kiên trì và lòng yêu nghề, các ứng viên rất khó có thể bám trụ lâu dài với công việc này. Bạn Trương Thị Kim Thoa, một ứng viên hộ lý Việt Nam tại Cơ sở Phúc lợi Kirishiki ở Saitama, chia sẻ: “Nói chung, công việc hộ lý khá là vất vả. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu mình tìm được niềm vui trong công việc thì mình sẽ cảm thấy đỡ áp lực hơn."
Xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, theo DOLAB, từ năm 2012 đến nay, mới có 1696 ứng viên hộ lý và điều dưỡng Việt Nam sang Nhật Bản học tập và làm việc, trong khi có tới hơn 350.000 lao động Việt Nam đã đến Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng./.
Bài 1: Nghề hộ lý, điều dưỡng lên ngôi tại Nhật Bản