Nhân rộng mô hình chợ không dùng tiền mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh
Mỗi quầy hàng tại các khu chợ truyền thống hầu hết được trang bị mã thanh toán QR, hoặc số tài khoản ngân hàng, ví điện tử… để người dân có thể dễ dàng thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng.
Thay vì lo giữ kè kè ví tiền như trước đây, nhiều người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần mang theo điện thoại có kết nối Internet mỗi khi đi chợ.
Bởi mỗi quầy hàng vải, hàng đồ khô, quầy thịt, đồ ăn vặt… tại các khu chợ truyền thống hầu hết đã được trang bị mã thanh toán QR, hoặc số tài khoản ngân hàng, ví điện tử… để người dân có thể dễ dàng thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.
Với các Mô hình chợ 4.0, cuộc sống không tiền mặt đang ngày càng phổ biến ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Đi mua rau, mua thịt cũng có thể quẹt thẻ"
Sau giai đoạn "trầm lắng" do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khu chợ Bến Thành (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đang dần khôi phục lại sự sôi động vốn có.
Dù là chợ truyền thống, song Chợ Bến Thành cũng là một điểm du lịch nổi tiếng nằm ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Các hình thức thanh toán hiện đại theo đó cũng được "phổ cập" ở nơi này đầu tiên.
Đặc biệt, kể từ khi COVID-19 xuất hiện, việc lưu thông tiền mặt dẫn đến nguy cơ lây lan virus, ảnh hưởng đến sức khỏe, thì những tiểu thương và người mua hàng tại Chợ Bến Thành cũng đã có thói quen dịch chuyển từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử.
Theo chị Lương Quỳnh Ánh, một du khách đến từ Hà Nội, việc các gian hàng trong chợ truyền thống có dán mã thanh toán QR, số tài khoản, ví điện tử… đã giúp vấn đề thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Người mua chỉ cần mang theo điện thoại là có thể thanh toán mà không phải mất thời gian tìm cây ATM để rút tiền.
"Không riêng ở chợ Bến Thành, những chợ dân sinh khác, họ cũng có quét mã QR rồi. Điều này thực sự rất tiện lợi. Đặc biệt, với những khách du lịch như mình không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, đảm bảo an toàn hơn rất nhiều khi mua sắm, di chuyển trên đường," chị Ánh cho biết.
Bà Nguyễn Tâm Hòa, Tiểu thương kinh doanh hoa tại chợ Bến Thành, cho biết lúc trước người mua hàng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, tuy nhiên sau đại dịch, khách đi mua hàng thanh toán bằng cách chuyển khoản rất nhiều. Việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến do thao tác đơn giản, lại tránh được việc đếm tiền nhầm, rủi ro nhận tiền giả.
"Chợ này hiện đại, văn minh, lại thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nên khách hàng yêu cầu thanh toán loại hình gì mình cũng có đủ hết. Để đáp ứng nhu cầu đó, hiện phần lớn các quầy hàng đều có các hình thức thanh toán không tiền mặt đang phổ biến như quét mã QR, chuyển khoản, quẹt thẻ…", bà Hòa cho biết.
Theo Ban Quản lý Chợ Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Ban Quản lý Chợ đã phối hợp với các ngân hàng để tạo tài khoản và mã QR cho các hộ kinh doanh tại chợ, như máy POS, VNPay, NAPAS…. Hiện số hộ kinh doanh có sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là 1.216/1.433 hộ, chiếm gần 85%.
Tại khu vực Chợ Tân Định, Quận 1, phần lớn các tiểu thương cũng áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt để người mua hàng tiện thanh toán.
Theo bà Lê Thị Mỹ Hằng, chủ hộ kinh doanh thịt heo tại Chợ Tân Định, từ hồi dịch COVID-19 bùng phát, quầy hàng của bà đã áp dụng hình thức thanh toán quét mã QR.
"Tôi thấy hình thức thanh toán này rất thuận tiện cho mình cũng như khách hàng. Đặc biệt, với những khách hàng mua sỉ, số lượng lớn vẫn có thể chuyển số tiền lớn và không cần phải mang theo tiền mặt nhiều. Tuy nhiên, mình cũng phải cẩn thận kiểm tra lại xem đã chuyển khoản và nhận tiền thành công chưa," bà Hằng chia sẻ.
Thực tế, không chỉ riêng các chợ truyền thống ở khu vực trung tâm, Mô hình chợ 4.0 ở Thành phố Hồ Chí Minh đang dần phổ biến hơn ở các quận, huyện vùng ven.
[Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại phố cổ Hoàn Kiếm]
Theo ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn quận đã có 8 trong tổng số 9 chợ truyền thống áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. Mô hình này được các tiểu thương và người dân rất đồng tình và ủng hộ vì sự tiện ích, nhanh chóng. Người dân đi chợ chỉ cần mang điện thoại theo và áp dụng mã QR để thanh toán khi mua hàng.
Hình thức này giúp các tiểu thương và người dân đi chợ tiếp cận với công nghệ thanh toán hiện đại, giảm thiểu các rủi ro khi sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, việc quản lý dòng tiền, số hóa sổ sách bán hàng của tiểu thương cũng được tối ưu hiệu quả, chính xác hơn.
Khắc phục tâm lý lo ngại khi thanh toán không tiền mặt
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại với 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại… Các cơ sở này đều tham gia vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Thành phố Hồ Chí Minh ở vị thế hàng đầu trong cả nước.
Đáng chú ý, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở các khu vực chợ truyền thống thời gian qua có sự thay đổi tích cực nhờ sự góp sức của các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử.
Trong năm 2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) là một trong những ngân hàng tiên phong đẩy mạnh mô hình chợ 4.0 phủ sóng khắp các chợ lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh như Chợ Bến Thành, Tân Định, Bình Tây… và nhiều chợ ở các tỉnh thành khác.
Theo Nam A Bank, Mô hình chợ 4.0 đã được ngân hàng triển khai trên toàn hệ thống, với gần 120 chợ truyền thống, thu hút hàng ngàn khách hàng và tiểu thương sử dụng. Đặc biệt, với ứng dụng Open Banking của ngân hàng còn có tính năng quản lý điểm bán miễn phí giúp tiểu thương quản lý doanh thu hiệu quả đối với các giao dịch thanh toán bằng mã VietQR trên chính tài khoản thanh toán được đăng ký Điểm bán.
"Nam A Bank triển khai chương trình chợ 4.0 tại các chợ truyền thống nhằm khuyến khích tiểu thương và người dân thay đổi thói quen, dịch chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, giúp các giao dịch giữa người bán và người mua thuận lợi và an toàn hơn, đồng thời thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn," đại diện Nam A Bank cho biết.
Dù có nhiều tiện ích và ngày càng phủ rộng ra các quận huyện, song việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt tại các khu vực chợ truyền thống vẫn còn là chiến dịch lâu dài của các bên liên quan, khi thói quen dùng tiền mặt vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người, nhất là ở khu vực vùng xa.
Anh Nguyễn Anh Thống, một người dân ở Thành phố Thủ Đức, chia sẻ bản thân anh thường thanh toán quét mã QR mỗi khi đi siêu thị. Còn ở các chợ truyền thống có nhiều tiểu thương lớn tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ, lại có tâm lý sợ bị lừa, nên nhiều khi anh phải trả bằng tiền mặt.
Theo ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, dù trên địa bàn đã có 8/9 chợ truyền thống áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt, tuy nhiên do thói quen sử dụng tiền mặt của nhiều tiểu thương, người dân lâu nay, nên việc triển khai bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, mục tiêu của địa phương trong thời gian tới là nâng dần tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt lên hơn nữa.
Trước thực tế không ít người dùng còn lo ngại rủi ro khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi Số Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), cho rằng các địa phương, tổ chức tín dụng, thanh toán cần tham gia đẩy mạnh truyền thông, đào tạo về tài chính để người dân hiểu được sự tiện lợi, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí của thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời khung pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt cũng phải được hoàn thiện, phát triển, tạo an tâm cho người cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán.
Với dư địa phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh còn rất lớn, nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán cũng cho biết, sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư tích hợp thêm nhiều giải pháp số hiện đại, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng một cách tốt nhất cũng như tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số theo xu hướng nền kinh tế hiện nay. Qua đó, góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao Khả năng Tiếp cận Dịch vụ Ngân hàng cho nền Kinh tế; Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.