Nhận diện rủi ro có thể ảnh hưởng tới lạm phát những tháng cuối năm
Công tác kiểm soát lạm phát đang được Chính phủ nỗ lực triển khai, tuy nhiên thách thức vẫn còn đó và đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những biến động khó lường, đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác kiểm soát lạm phát tại Việt Nam. Chín tháng của năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có những diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Để có cái nhìn rõ hơn về hiện trạng lạm phát chín tháng và những giải pháp cần thiết trong chặng cuối cùng của năm, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê.
Diễn biến phức tạp
- Thưa bà, CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Con số này có phản ánh đầy đủ thực tế thị trường trong 9 tháng qua hay không?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Con số 3,88% đã phản ánh một phần thực trạng, nhưng không phải là toàn bộ thế cục kinh tế. Mức tăng này cần được phân tích chi tiết hơn theo từng tháng, từng nhóm hàng hoá và đặt trong bối cảnh vĩ mô cả trong và ngoài nước.
Nhìn nhận từng tháng sẽ thấy rõ nét diễn biến CPI toàn diện hơn. Cụ thể, chỉ số CPI tháng Một tăng 0,31% do sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại một số địa phương. Cùng với đó, việc lên giá điện và giá gạo leo theo nhịp giá xuất khẩu đã tác động đáng kể. Đến tháng Hai, CPI tăng 1,04% và đây là mức tăng cao nhất trong 9 tháng, phản ánh rõ tác động của Tết Nguyên đán khiến nhu cầu tiêu dùng đột biến.
Ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba lại giảm nhẹ 0,23%, bởi nhu cầu tiêu dùng giảm sau Tết, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, từ tháng Tư đến tháng Bảy, chỉ số liên tục tăng dần trở lại với các mức tương ứng 0,07%; 0,05%; 0,17%; 0,48%. Thực tế thị trường phản ánh áp lực gia tăng từ giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế. Sang đến tháng Tám, CPI ghi nhận sự ổn định so với tháng trước và cho thấy hiệu quả của các biện pháp kiểm soát. Song đáng lưu ý, CPI của tháng Chín lại tăng đáng kể 0,29%. Mức lên này chủ yếu do ảnh hưởng của bão lũ, làm khan hiếm hàng hóa tại một số địa phương và dẫn đến tăng giá cục bộ. Cộng thêm việc điều chỉnh học phí và giá thuê nhà cũng góp phần làm tăng CPI.
- Phân tích theo nhóm hàng hóa sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây tăng CPI, bà có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Đúng vậy, phân tích theo nhóm hàng sẽ cho thực trạng thị trường rõ nét hơn. Trên thực tế, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có tác động lớn nhất đến CPI với mức tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá lương thực tăng mạnh 14,23%, đặc biệt là giá gạo leo thang 18,87% theo bình diện giá xuất khẩu kết hợp với nguồn cung đi xuống, trong khi nhu cầu lại lên cao trong dịp lễ Tết và sau bão lũ.
Mặt khác, giá thực phẩm cũng nhích lên 2,31% và giá ăn uống ngoài gia đình nâng lên 4,03%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng đắt đỏ hơn 5,33%, chủ yếu do giá nhà ở thuê và giá điện sinh hoạt tăng. Song song với đó, nhóm giáo dục tăng thêm 7,51% bắt nguồn từ việc tăng học phí ở một số địa phương và nhóm thuốc và dịch vụ y tế lên 7,46% do điều chỉnh giá theo Thông tư 22/2023/TT-BYT. Nhóm giao thông tăng 1,87% do giá dịch vụ giao thông công cộng và chi phí bảo dưỡng phương tiện tăng. Ngoài ra, chỉ có nhóm bưu chính, viễn thông giảm nhẹ 1,19% nhờ có các chương trình khuyến mãi.
Trên nền tảng đó, lạm phát cơ bản nhích lên 2,69% so với cùng kỳ năm trước song thấp hơn mức tăng CPI chung là 3,88%. Điều này cho thấy tác động đáng kể của giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và một số dịch vụ công cộng đến CPI chung.
Chủ động ứng phó
- Bối cảnh kinh tế thế giới đang rất phức tạp. Xin bà chia sẻ, Việt Nam đã làm gì để giảm thiểu tác động tiêu cực của yếu tố quốc tế đến lạm phát trong nước?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Thị trường thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, việc lạm phát thế giới đang hạ nhiệt đã giảm áp lực nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam. Chỉ số giá nhập khẩu bình quân 9 tháng giảm 1,73% so với cùng kỳ, đặc biệt là giá xăng dầu giảm 7,72% trong quý 3. Để có được điều này, Chính phủ đã chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp, bao gồm đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng, quản lý điều hành giá, nhất là trong thời điểm thiên tai và kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia.
Đối với thị trường trong nước, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách về thuế, phí, tín dụng, và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; giải ngân đầu tư công hiệu quả và các gói tín dụng hỗ trợ cũng rất quan trọng. Hơn thế nữa, việc ứng phó kịp thời với hậu quả của bão lũ, đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm đã giúp hạn chế tăng giá cục bộ.
- Theo bà, những rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến lạm phát trong những tháng cuối năm và những giải pháp nào cần được ưu tiên để đảm bảo mục tiêu kiểm soát?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số các yếu tố cần được theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Đó là rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. Ngoài ra, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
Thêm nữa, công tác dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới nhằm tránh gây áp lực lên lạm phát. Không chỉ thế, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố đồng thời các chi phí cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp về mức độ cũng như thời điểm tăng giá.
Cũng cần lưu ý, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Trong đó, USD có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Về điều hành, các cấp quản lý cân nhắc ưu tiên các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.
- Xin cảm ơn bà./.