Nhà xuất bản Giáo dục VN và hành trình 5 năm biên soạn, xuất bản SGK mới

Dù gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ thế độc quyền sang cạnh tranh nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn nỗ lực để biên soạn gần 500 đầu sách giáo khoa phục vụ đổi mới giáo dục.

Sách giáo khoa bộ Chân trời sáng tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ thế độc quyền, với chủ trương đa dạng hoá, xã hội hóa sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam buộc phải cạnh tranh với các nhà xuất bản khác trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Gần 500 đầu sách giáo khoa

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc sản xuất sách giáo khoa xã hội hoá, Nhà xuất bản Việt Nam có điểm thuận lợi khi là nhà xuất bản quy mô lớn, có nhiều năm kinh nghiệm cùng đội ngũ tác giả, chuyên gia, biên tập sách giáo khoa nhiều kinh nghiệm, các hoạ sỹ giỏi chuyên môn.

Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn khi là doanh nghiệp nhà nước và phải tuân thủ, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Việc cạnh tranh cũng khiến các nhà xuất bản phải nỗ lực nâng cao chất lượng từ nội dung đến hình thức của sách, chi phí đầu tư cao trong khi số lượng phát hành giảm. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phải nỗ lực giảm giá thành sách giáo khoa.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn nỗ lực tìm mọi giải pháp khắc phục để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao là tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Theo Tiến sỹ Trần Quang Vinh - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đến thời điểm này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành biên soạn và phát hành 485 đầu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Trong số 3 bộ sách giáo khoa đạt yêu cầu của Hội đồng thẩm định quốc gia, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đang được sử dụng trong các nhà trường thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hai bộ, gồm Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Bên cạnh các bộ sách giáo khoa chính cho các cấp học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn mở rộng biên soạn các sách ngoại ngữ 1 ngoài tiếng Anh như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga...

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã biên soạn, xuất bản gần 500 đầu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tất cả các sản phẩm sách giáo khoa đều được đăng ký bản quyền, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quá trình thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo hệ thống quy trình và thủ tục chặt chẽ, đúng quy định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Mỗi bộ sách trải qua các bước thẩm định nghiêm ngặt, từ nghiên cứu, phản biện đến báo cáo giải trình, nhằm đảm bảo chất lượng và tính phù hợp của nội dung. Các sách giáo khoa của Nhà xuất bản Việt Nam đang chiếm hơn 70% thị phần sách giáo khoa toàn quốc.

Bên cạnh công tác biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình tập huấn tại các tỉnh thành theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nhu cầu của các địa phương. Các chương trình tập huấn nhằm hỗ trợ giáo viên nắm vững nội dung và phương pháp sử dụng sách giáo khoa mới, giúp giáo viên cập nhật các phương pháp giảng dạy hiệu quả và sử dụng tài liệu giáo dục hiện đại trong quá trình giảng dạy.

Ông Vinh cho biết trong thời gian tới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện và mở rộng các chương trình biên soạn sách giáo khoa, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam.

Nỗ lực vì sự nghiệp giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị tác giả sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các tác giả, nhà khoa học và nhà giáo những người đã cống hiến không ngừng để biên soạn các bộ sách giáo khoa chất lượng.

Ông Thanh cho hay năm 2024 là cột mốc đặc biệt khi bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được hoàn thiện. Đây cũng là lần đầu tiên sách giáo khoa được xã hội hóa rộng rãi, đòi hỏi sự tâm huyết và nỗ lực từ gần 1.000 giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học và nhà giáo khắp cả nước. Với sự đồng lòng và tâm huyết, các nhóm tác giả đã vượt qua khó khăn để mang đến những bộ sách chất lượng, giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách gần gũi và hiệu quả.

iệc có nhiều sách giáo khoa đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và các nhà trường. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình viết sách, Thạc sỹ Vũ Mai Lan, Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc lớp 6,7,8 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho hay cấu trúc chương trình và thiết kế sách phải đảm bảo tính khoa học, dễ tiếp cận và hấp dẫn, nhằm hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả nhưng phải khơi dậy niềm đam mê và yêu thích đối với môn học đồng thời phải đảm bảo sự chính xác. Vì vậy, quá trình xây dựng nội dung phải điều chỉnh liên tục, phải đảm bảo chất lượng để vượt qua các vòng thẩm định. Để hoàn thành công việc, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa thường xuyên làm việc ngoài giờ, nhiều đêm thức trắng để hoàn thiện bản thảo.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” nhận định viết sách giáo khoa là một hành trình rất vất vả, nhiều tâm sức với các yêu cầu rất cao đồng thời phải đối diện với nhiều áp lực, rủi ro.

Ông Hùng cho hay một bộ sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn trọn vẹn từ lớp 1 đến lớp 12 như bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có khoảng 600 văn bản đọc (tác phẩm, đoạn trích), chưa tính đến hàng trăm văn bản được chọn làm bài viết tham khảo cho phần Thực hành viết và hàng trăm đoạn văn ngắn làm ngữ liệu cho phần Thực hành tiếng Việt.

Để chọn được 600 văn bản có chất lượng cao đã khó, chọn được chừng ấy văn bản có chất lượng cao mà phù hợp với yêu cầu của chương trình, với hệ thống chủ điểm của bộ sách, với khả năng tiếp nhận của học sinh ở từng lớp; đáp ứng được vấn đề nhân thân tác giả, giải quyết được vấn đề bản quyền… khó khăn nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, chỉ cần vài văn bản có ý kiến khác biệt đã có thể tạo “sóng” dư luận. Tác phẩm càng mới (có thể mới sáng tác hoặc lâu nay công chúng ít biết đến) càng dễ gây nên những đánh giá trái chiều.

Chia sẻ điều này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Việt Khôi, Chủ biên sách giáo khoa Địa lý lớp 10 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho hay chỉ cần một sai sót nhỏ trong nội dung sách cũng có thể dẫn đến phản ứng từ công chúng, gây áp lực lớn cho nhóm tác giả. Do đó, các tác giả phải thật sự tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng câu từ, hình ảnh, bản đồ... để bảo đảm tính chính xác và phù hợp, để sách giáo khoa thực sự trở thành nguồn tri thức đáng tin cậy và hữu ích cho nhiều thế hệ học sinh.

Dù nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhìn lại hành trình 5 năm đồng hành cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn sách giáo khoa, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nghiêm Đình Vỳ, Tổng Chủ biên cấp Tiểu học phần Lịch sử cho hay ông tự hào khi thấy những giá trị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dày công xây dựng đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Đây cũng là niềm tự hào chung của các tác giả trong hành trình mang những bộ sách giáo khoa mới đến với các nhà trường./.