Nhà Việt Nam học kỳ cựu Pyotr Tsvetov cùng những cuốn sách đặc biệt
Học giả Nga lưu giữ những cuốn sách của các bậc lão thành cách mạng Việt Nam như “Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh,” hay “Cách mạng tháng Mười vĩ đại và Việt Nam.”
Nhân dịp 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Moskva đã có cuộc trò chuyện với nhà Việt Nam học kỳ cựu Pyotr Tsvetov.
Từng là phóng viên Báo Sự thật (Pravda) của Liên Xô giai đoạn 1991-1993, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt, Phó Tiến sỹ khoa học lịch sử, Giảng viên Bộ môn Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Tsvetov đã trải qua nhiều năm tháng gắn bó với Việt Nam.
Tiếp phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại ngôi nhà yên bình, tràn đầy nắng ở ngoại ô Moskva, trước cửa là khu vườn với nhiều loài hoa đang khoe sắc, ông Tsvetov cho chúng tôi xem bài báo mới nhất của mình, viết cho Báo Sự thật với tiêu đề “Ngoại giao cây tre của Hà Nội.”
Ông Tsvetov cho biết ngoài việc giảng dạy tại Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho đến nay, ông vẫn tiếp tục viết bài cho Báo Sự thật.
Còn nhớ cách đây hơn một tháng, cũng chính tại căn nhà này, người được các phóng viên Việt Nam lâu năm ở địa bàn Moskva xem như “chuyên gia của các thế hệ phóng viên Việt Nam” đã đưa ra những đánh giá sắc sảo về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Báo Nhân Dân.
Ông Tsvetov khi đó đã khẳng định cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có uy tín, nhà lý luận sắc bén, đã có đóng góp to lớn vào lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trên cương vị Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt, ông Tsvetov cũng đã tham dự hầu hết các cuộc gặp gỡ, sự kiện ngoại giao nhân dân của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam khi họ thăm chính thức Liên bang Nga, chính vì thế mà các phóng viên Việt Nam luôn tìm đến ông để đề nghị đưa ra đánh giá, nhận định.
Câu chuyện tiếp đó chuyển sang những cuốn sách thú vị được lưu giữ tại căn nhà ngoại ô. Trước tiên, ông Tsvetov nhắc đến những cuốn sách của hai bậc lão thành cách mạng đã tham gia Quốc tế Cộng sản của Việt Nam là nhà sử học Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; và Giáo sư-Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn.
Đó là những cuốn “Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh,” “Giá trị, tinh thần, truyền thống của dân tộc Việt Nam” của Giáo sư Trần Văn Giàu, hay cuốn “Cách mạng tháng Mười vĩ đại và Việt Nam” của Giáo sư-Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn.
Từng có giai đoạn là phóng viên thường trú của báo Sự thật tại Hà Nội, ông Tsvetov cho biết ông đã gặp và trò chuyện với Giáo sư Trần Văn Giàu cũng như đã gặp Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn khi đã nghỉ hưu, và một lần vào cuối năm 1982 ở Tashkent khi tham gia hội nghị về chính sách quốc gia cũng như sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên Xô.
Trong số những cuốn sách đặc biệt của mình, ông Tsvetov còn lưu lại cuốn tuyển tập những bài viết và phát biểu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mà ông tham gia dịch ra tiếng Nga, xuất bản năm 1981 và được chính cố Tổng Bí thư ký tặng năm 1982, cũng như cuốn “Thư vào Nam” của cố Tổng Bí thư do Nhà Xuất bản Sự thật biên soạn và phát hành.
Trong kho sách về Việt Nam của ông còn có những cuốn tuyển tập các phát biểu và văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Toàn quốc lần thứ III, IV, V, và VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kể về những năm tháng làm phóng viên Báo Sự thật ở Hà Nội, ông Tsvetov cho biết trong giai đoạn khó khăn đó, khi Liên Xô tan rã, Báo Nhân Dân và các bạn bè Việt Nam đã giúp ông rất nhiều trong quá trình tác nghiệp.
Chẳng hạn như khi ông đi Đà Nẵng, chi nhánh của báo Nhân Dân ở Đà Nẵng đã thuê khách sạn cho ông, lấy ôtô đưa ông đi tác nghiệp ở các nơi, giới thiệu thực tế phát triển ở Việt Nam; hay khi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh Báo Nhân Dân tại đây cũng hỗ trợ ông chu đáo trong quá trình tác nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Tsvetov cũng kể về kỷ niệm khó quên đã góp phần đáng kể giúp duy trì hoạt động của Báo Sự thật ở Việt Nam.
Đó là tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã đạt được thỏa thuận với công ty chế biến thực phẩm Vissan để doanh nghiệp này đồng ý quảng cáo trên Báo Sự thật. Nhờ đó, văn phòng của ông có đủ kinh phí trang trải hoạt động.
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam, đánh giá những đóng góp của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tsvetov bình luận: “Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ 21 không chỉ nói họ dựa trên tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin, mà trên thực tế họ luôn giải quyết các nhiệm vụ, dù lớn hay nhỏ, để xây dựng xã hội Việt Nam văn minh và thịnh vượng dựa trên các cách tiếp cận, nguyên tắc chủ đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra.
Một bước đi dài đã được thực hiện vào năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới. Đây cũng là cách làm theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì công cuộc đổi mới phát triển đất nước không còn giáo điều.”./.