Nhà văn Trần Đức Tiến được vinh danh với giải thưởng Hiệp sỹ Dế Mèn
Giải Hiệp sỹ Dế Mèn đã được trao cho nhà văn Trần Đức Tiến vì những cống hiến xuất sắc cho thiếu nhi trong toàn bộ sự nghiệp của ông, trong đó có tác phẩm "A lô!... Cậu đấy à?" được xét giải năm nay.
Trong hai lần tổ chức gần nhất, Giải thưởng Dế Mèn các năm 2021 và 2022 đã khuyết vị trí Hiệp sỹ Dế Mèn do chưa tìm được các tác phẩm, tác giả đủ xuất sắc.
Ở lần thứ 4, năm 2023, giải thưởng cao nhất đã có chủ nhân mới. Đó là nhà văn Trần Đức Tiến - tác giả thiếu nhi quen thuộc với loạt tác phẩm như "Trên đôi cánh chuồn chuồn" (2015), "Xóm Bờ Giậu" (2018 - Giải B giải Sách Quốc gia năm 2019) và tác phẩm mới ra mắt "Alo!... Cậu đấy à?" (2022, được đưa vào xét giải năm nay).
Giải thưởng lớn đã có chủ nhân
Nhà văn Trần Đức Tiến nhận giải thưởng Hiệp sỹ Dế Mèn nhờ những cống hiến xuất sắc cho thiếu nhi trong toàn bộ sự nghiệp của ông.
Tác phẩm mới nhất của ông, được xét giải năm nay - "Alo!... Cậu đấy à?" gồm 23 câu chuyện đồng thoại với dung lượng ngắn, kể những câu chuyện đời thường của các nhân vật Sóc, Cóc Tía, Thằn Lằn tại xóm Bụi Trúc. Tác phẩm được nhà văn Trần Đức Tiến xây dựng dựa trên vốn tuổi thơ của bản thân cũng như những trải nghiệm với thiếu nhi ngoài xã hội, trong gia đình và cả ở khoảng sân nhà được coi là "quê mùa, lạc lõng nhất thành phố" tại nhà riêng của ông.
Nhận xét về tác phẩm, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (Đại học Sư phạm Huế) nhận định: Sự cộng hưởng của tình yêu trẻ, vốn văn hóa dày dặn và sự tinh tế của nhà văn đã tạo ra miền an trú cho độc giả. "Thể loại đồng thoại thiết lập khế ước có lợi cho những sinh vật bé nhỏ như Thằn Lằn, Cóc Tía, Sóc Bông Lau, tạo ra một cộng đồng người thực thụ, sống tử tế và thiện lương trên trang văn Trần Đức Tiến," Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm nói thêm.
[[Photo] Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi "Dế mèn" lần thứ tư]
Bên cạnh giải thưởng lớn dành cho nhà văn giàu kinh nghiệm, giải Khát vọng Dế Mèn đã được trao cho 3 tác phẩm: "Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ" (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng), "Ở một nơi có rất nhiều rồng" (bản thảo truyện dài của Mộc An); và "Vua ngan xóm hồ" (bản thảo truyện dài của nhà văn Uông Triều).
Bên cạnh đó, 2 tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo được trao cho Nghé ọ Hai Xoáy" (truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books) và "Tôi, bố tôi, và…" và "Từ những bức thư" (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương, 11 tuổi).
Nhận định chung về giải thưởng năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn cho biết các tác phẩm văn học năm nay trải rộng về cả giả tưởng, đời sống đô thị, đời sống nông thôn... Trong số đó, "Nghé ọ Hai xoáy" (tác giả Phạm Anh Xuân) có cách tiếp cận rất nhân văn và chạm tới vấn đề sinh thái quan trọng trong cuộc sống ngày nay, đặc biệt khi mảng này ở Việt Nam đang rất yếu.
Ông Văn Giá cũng khẳng định Giải thưởng Dế Mèn cho thấy sự uy tín và tính lan tỏa của nó, tiếp tục phát hiện các tác phẩm hay, tác giả mới và góp phần vào bức tranh chung về văn học thiếu nhi đất nước.
Tiếp tục nuôi dưỡng tài năng trẻ
Giải Dế Mèn năm nay đã phát hiện và vinh danh 2 tác giả nhí với những tác phẩm được đánh giá cao, bộc lộ những phẩm chất sáng tạo chuyên nghiệp sớm.
1 trong 4 giải Khát vọng Dế Mèn được dành cho họa sỹ nhí dân tộc Tày - Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn), với loạt 40 tranh khổ lớn với tạo hình ấn tượng.
Họa sỹ Thành Chương, thành viên Ban giám khảo cho biết ông bị "choáng" khi tiếp cận tranh của Nhật Quang. Là người hiểu rõ về những bước đi của một người bắt đầu vẽ từ khi còn trẻ đến lớn, cùng kinh nghiệm chấm nhiều giải thưởng trong nước, ông cho rằng tranh của Nhật Quang rất mãnh liệt, vừa có những nét hồn nhiên của trẻ nhỏ, vừa có cả những suy nghĩ già dặn, hoành tráng như một nghệ sỹ thực thụ.
Cũng là thành viên Ban giám khảo, nhạc sỹ-nhà thơ Nguyễn Thụy Kha khẳng định Hoàng Nhật Quang là một phát hiện tốt của giải năm nay. Tranh của Quang có cách dùng màu sắc rất đẹp và ấn tượng, giống như đã trở thành bản năng.
Sau ngày trao giải, dự kiến từ ngày 8/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thể thao và Văn hóa sẽ hỗ trợ mở triển lãm cá nhân đầu tiên cho em. Nguyện vọng của họa sỹ nhí và gia đình là góp tiền vào Quỹ "Mái trường cho em" nếu bán được tranh.
Nhận tặng thưởng của Ban giám khảo là cây bút nhí Đoàn Lữ Thụy Phương (11 tuổi) với hai bản thảo "Tôi, bố tôi, và…" và "Từ những bức thư," trong đó bố mẹ em là những hình mẫu đặc biệt để khai thác và tưởng tượng nên những câu chuyện trẻ thơ.
[Infographics: Các tác giả đoạt Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 4]
Theo Ban giám khảo, cô bé được nhận xét có sức viết đáng nể so với độ tuổi, văn phong chỉn chu, kỹ lưỡng, với những câu văn chững chạc, chuyên nghiệp. Đây là tín hiệu đáng quý cho tương lai của tác giả nhí này.
Một chi tiết khá thú vị là họa sỹ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007, từng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần 2 - 2021) nghe tin năm này có 2 tác giả nhí đoạt giải, đã nhờ mẹ trích từ tiền bán tranh gửi tặng mỗi tác giả 10 triệu đồng. Điều này cho thấy sức lan tỏa, sự đồng hành, chia sẻ của những tác giả từng có dấu ấn với giải Dế Mèn.
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định qua các mùa, Giải thưởng Dế Mèn đã góp thêm tiếng nói cổ vũ tinh thần, thể hiện tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của xã hội với các em thiếu niên nhi đồng, mầm non của đất nước. Giải thưởng là nơi phát hiện, góp phần ươm mầm cho các tài năng văn học, nghệ thuật nhí.
Uy tín của giải thưởng được tạo dựng bởi chất lượng và sự cẩn trọng khi bình chọn tác phẩm được giải, các thành viên Ban giám khảo đáng kính... Tất cá đã mang lại sự thành công cho một giải thưởng văn học-nghệ thuật, không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn là sân chơi nghệ thuật cho cả người trưởng thành.
Mùa giải năm 2023, Ban tổ chức đã thu hút sự quan gia của 121 tác phẩm và chùm tác phẩm cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ và tăng dần của giải thưởng. Tuy nhiên, một số thành viên Ban giám khảo cho rằng điểm đáng tiếc của năm nay so với các năm trước là thiếu một số loại hình, cụ thể, giải Dế Mèn năm nay không có tác phẩm là bài hát, phim, kịch...