Nhà thờ Đức Bà Paris - Sự hồi sinh kỳ diệu từ đống tro tàn

Đến thăm Nhà thờ Đức Bà sau khi hoàn tất trùng tu, Tổng thống Pháp Macron đã choáng ngợp trước những gì mà các nghệ nhân đã miệt mài làm việc trong suốt 5 năm để "biến than bụi thành nghệ thuật."

Quang cảnh bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp ngày 29/11/2024, khi quá trình trùng tu được hoàn tất, sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng năm 2019. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 7/12/2024, Nhà thờ Đức Bà Paris, một trong những biểu tượng lâu đời và nổi tiếng nhất của nước Pháp, mở cửa đón khách tham quan trở lại sau 5 năm đóng cửa phục dựng kể từ vụ hỏa hoạn năm 2019.

Sự hồi sinh của công trình lịch sử này không chỉ đánh dấu sự tái sinh của một kiệt tác gần 900 năm tuổi mà còn khắc sâu ý nghĩa về lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết của nước Pháp và toàn thế giới.

Biểu tượng lịch sử của nước Pháp

Là một trong những biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây, Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng thế giới bởi các giá trị kiến trúc và văn hóa mà công trình này mang lại.

Nhà thờ Đức Bà Paris (tên tiếng Pháp Notre-Dame de Paris) được khởi công xây dựng từ giữa thế kỷ 12.

Quá trình thi công công trình này diễn ra liên tục trong khoảng 200 năm sau đó. Nhà thờ Đức Bà tọa lạc tại đảo Cité trên sông Seine ở thủ đô Paris.

Vị trí địa lý đặc biệt này đã khiến Nhà thờ trở thành biểu tượng mang tính lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Paris.

Nhà thờ Đức Bà có chiều dài 128m, chiều rộng 48m, cao tới 96m, có thể chứa được 6.500 người. Đây không phải là Nhà thờ lớn nhất nước Pháp nhưng có tầm ảnh hưởng và sức thu hút nhất.

Là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Gothic, Nhà thờ Đức Bà Paris có các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên. Bên ngoài có các tháp nhọn, bên trong là mái trần cao vút với các tấm kính và ô cửa sổ vạn hoa, công trình lịch sử này đã đi vào nhiều tác phẩm văn học kinh điển.

Sau gần 9 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây.

Tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới, ngày 24/8/1944, Nhà thờ Đức Bà đã gióng hồi chuông ngân vang như lời tuyên bố giải phóng Paris khỏi Đức Quốc xã vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nhà thờ Đức Bà còn trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" (The Hunchback of Notre-Dame) của đại văn hào Victor Hugo, với nhân vật chính là thằng gù Quasimodo.

Trước khi xảy ra trận hỏa hoạn năm 2019, mỗi năm địa điểm này thu hút từ 12-14 triệu du khách trên toàn thế giới ghé thăm, biến nơi đây thành công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu.

Kiệt tác được tái sinh

Trong quá khứ, Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị hủy hoại vào cuối thế kỷ 18, thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Pháp (1789). Công cuộc trùng tu sau đó dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc phải đến cuối thế kỷ 19 mới kết thúc.

Tiếp đó, trong thế kỷ 21 này, Nhà thờ Đức Bà Paris đã bất ngờ bị một đám cháy lớn bùng phát vào ngày 15/4/2019 thiêu rụi 2/3 phần đỉnh mái của Nhà thờ. Ngọn tháp, mái nhà và nhiều phần kiến trúc quan trọng của Nhà thờ Đức Bà đã bị phá hủy nghiêm trọng.

Vụ hỏa hoạn đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới bởi đây là một thiệt hại lớn đối với biểu tượng văn hóa của Pháp và của cả thế giới.

Ở thời điểm đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết cho trùng tu và mở cửa Nhà thờ trở lại sau 5 năm và điều này khi đó đã gây ra không ít hoài nghi. Tuy nhiên, đúng như lời cam kết, việc trùng tu đã hoàn tất sau 5 năm và mở cửa trở lại đón khách tham quan vào ngày 7/12/2024.

Theo văn phòng Tổng thống Macron, Pháp đã nhận được nguồn tiền tài trợ từ nhiều nơi trên thế giới để phục hồi công trình lịch sử này, ước tính lên đến 843 triệu euro. Trong đó, 700 triệu euro đã được chi cho 2 giai đoạn đầu của việc củng cố và phục hồi; 140 triệu euro còn lại được dùng để phục hồi các mặt tiền và mái nhà của phòng áo lễ vào đầu năm 2025.

Sau 5 năm làm việc miệt mài, các nghệ nhân và thợ mộc đã hoàn thành xuất sắc công tác trùng tu, khôi phục lại vẻ đẹp vốn có của nhà thờ. Ngọn tháp biểu tượng nay đã được tái dựng một cách tinh xảo, sẵn sàng chào đón du khách.

Ngọn tháp của nhà thờ Đức Bà Paris cao 96m, được dựng hoàn toàn bằng khung gỗ sồi với cấu trúc xung quanh được hoàn thành vào cuối tháng 12/2023. Xung quanh ngọn tháp này, những bức tượng được trang trí bằng chì nguyên bản, đã được lắp đặt trở lại. Một điều may mắn là những bức tượng này được hạ xuống trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn trên, do đó không bị hư hại.

Quang cảnh bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp sau khi công tác trùng tu được hoàn tất, ngày 29/11/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN)

Việc khôi phục ngọn tháp của nhà thờ là một công việc vô cùng kỳ công và đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt.

Từ xa, ngọn tháp giống như một cây kim với 2 tầng mở, bao gồm lan can, cột, đầu hồi và phần tháp nhọn. Trọng lượng ngọn tháp nặng 750 tấn, với phần đế bằng gỗ đóng vai trò như nền móng vững chắc, nâng đỡ toàn bộ cấu trúc phức tạp.

Phần thân tháp là một cấu trúc hình bát giác cao 20m, gồm 285 bộ phận. Phần chân tháp, được thiết kế giống như một chiếc ghế đẩu, dài 15m, rộng 13m và cao 6m, giữ chặt ngọn tháp vào 4 cột trụ lớn.

Ngoài ngọn tháp, phần mái của nhà thờ Đức Bà Paris cũng được khôi phục theo nguyên tác của kiệt tác thế kỷ 13. Phần mái được tạo thành từ một chuỗi các nhịp cơ bản dài khoảng 4m. Mỗi nhịp bao gồm các kết cấu hình tam giác với 4 kèo phụ và một kèo chính.

Một tuần trước khi kiệt tác lịch sử này được mở cửa trở lại, ngày 29/11/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Nhà thờ Đức Bà và ông hoàn toàn choáng ngợp trước những gì mà các nghệ nhân đã miệt mài làm việc trong suốt 5 năm qua để "biến than bụi thành nghệ thuật."

Tại buổi viếng thăm, Tổng thống Macron nhấn mạnh, đây là cơ hội để gửi lời cảm ơn đặc biệt đến 2.000 người thuộc tất cả các ngành nghề đến từ 250 công ty khác nhau, từ những người làm gỗ, kim loại, đá, giàn giáo, thợ mái, thợ chuông, đến những người phục chế nghệ thuật, thợ mạ vàng, thợ xây, thợ điêu khắc, thợ mộc, thợ làm đàn organ, kiến trúc sư, khảo cổ học, kỹ sư… đã tham gia khôi phục nhà thờ.

Tổng thống Macron phát biểu: "Tàn lửa của Nhà thờ Đức Bà từng là một vết thương quốc gia và chính các bạn đã chữa lành nó bằng ý chí, công việc, và sự tận tâm… Các bạn đã làm được điều mà nhiều người nghĩ là không thể"./.