Nhà ngoại giao Cuba: Việt Nam là hình mẫu cho các nước đang phát triển

Nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam nhận định Việt Nam đang trên đà tiến lên nhanh chóng để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của các dân tộc khác.

Nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam, ông Fredesmán Turró González. (Ảnh: Lê Hà/TTXVN)

Nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González khẳng định Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển, nhất là đối với những nước đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana, ông Fredesmán nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam đã có đóng góp quan trọng về mặt lý luận vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước xuất phát từ trình độ phát triển thấp của lực lượng sản xuất và tư liệu sản xuất.

Từ Đại hội VI tháng 12/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược đánh dấu bước chuyển mình trên mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế và chính trị của đất nước.

[Cuba đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam]

Nhà ngoại giao Cuba vô cùng ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới, ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Đất nước đang trên đà tiến lên nhanh chóng để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển và hiện đại, nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của các dân tộc khác. Mức sống của người dân Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày và rất nhanh sẽ sớm trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao.

Theo ông Fredesmán, đề cập đến những thành tựu của ngoại giao Việt Nam không thể không nhắc đến đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” khôn khéo, linh hoạt nhưng cũng rất bản lĩnh, kiên cường và mang dấu ấn mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Công cuộc Đổi mới đã mở cánh cửa để Việt Nam hướng ra bên ngoài nhằm mở rộng quan hệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Ngày nay, Việt Nam tham gia rất tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đã tận dụng một cách thông minh, khéo léo những yếu tố tích cực do toàn cầu hóa mang lại mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại của mình, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực.

Việt Nam đã trở thành một đối tác đáng tin cậy với tất cả các bên và đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều nước.

Việt Nam hiện đã trở thành một chủ thể quan trọng trên chính trường quốc tế, hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp đáng chú ý tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, là đối tác tin cậy và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của ASEAN và duy trì quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia, đồng thời tăng cường mạnh mẽ mức độ trao đổi thương mại và hợp tác vì lợi ích chung và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Việt Nam đang nhận được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA.

Nguyên Đại sứ Cuba nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một học giả lý luận giàu kinh nghiệm trong công tác Đảng và có một phong cách làm việc giản dị, năng động.

Trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều hoạt động quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó có chuyến thăm Cuba năm 2012.

Đại sứ Fredesmán nhận định đây là “chuyến thăm lịch sử” và có ý nghĩa rất lớn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh Cuba đang chuẩn bị cập nhật mô hình kinh tế và mong muốn học hỏi các kinh nghiệm của Việt Nam.

Ông Fredesmán khẳng định Cuba và Việt Nam duy trì mối quan hệ anh em hết sức đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh của nhân dân hai nước bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

Hai dân tộc anh em đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn nhất, cùng nhau hưởng thành quả và mừng cho thành tựu của nhau như của chính mình, đúng như Tổng tư lệnh Fidel Castro từng mô tả là “biểu tượng của thời đại."

Cuba và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Cuba coi trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất lúa gạo, ngô, đậu tương... và trong sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Việt Nam là nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại Cuba và trong chừng mực những thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế Cuba được thực hiện, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới và lớn hơn để tăng cường sự hiện diện tại đảo quốc này.

Nguyên Đại sứ Fredesmán tin tưởng mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Cuba sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Cuba đang áp dụng nhiều biện pháp củng cố nền kinh tế.

Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, bài học hay trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Fredesmán từng hai lần là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam (1999-2004 và 2008-2013).

Lần đầu tới Việt Nam năm 1968 khi chỉ mới 18 tuổi và từ đó đến nay, trải qua nhiều cương vị công tác, nhà ngoại giao Cuba luôn gắn bó với “dải đất hình chữ S” ở bên kia bán cầu, nơi ông đã sớm coi như quê hương thứ hai và “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.”

Với kiến thức sâu sắc về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, với tình cảm và tâm huyết đặc biệt với Việt Nam và quan hệ Cuba-Việt Nam, “đồng chí Hùng”- tên thân mật mà nhiều người bạn Việt Nam thường gọi Đại sứ Fredesmán - đã trở thành nhịp cầu quan trọng kết nối hai nước.

Ông đã hai lần được nhận Huân chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam trao tặng những cá nhân và tập thể nước ngoài có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)