Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
VnDirect cho rằng rủi ro chứng khoán giảm điểm đã hạ nhiệt khi các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận tăng nhẹ, và bài phát biểu "ôn hòa" của Chủ tịch Fed đã giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Thị trường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong hai ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ hai luồng thông tin trái chiều.
Tỷ giá là rủi ro cần lưu ý
Chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết lạm phát tháng Ba tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm nhà đầu tư lo ngại về kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa.
Hiện tại, nhà đầu tư cho rằng đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ rời sang quý 3 thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng Sáu.
Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1-2 lần thay vì kỳ vọng ba lần trước đó.
Có thể thấy rằng xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên. Điều này sẽ khiến DXY tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước.
Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá. Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường. Tuy vậy, ở chiều ngược lại thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024 đã bắt đầu.
Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực trong quý 1 năm nay do nền kinh tế phục hồi, lãi suất giảm và mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã có ước tính kết quả kinh doanh quý 1 này với tăng trưởng khá tích cực. Việc nhóm cổ phiếu trụ cột có thông tin hỗ trợ sẽ góp phần cải thiện tâm lý của thị trường.
Trong tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực. Đầu tiên là số liệu vĩ mô trong nước tháng Tư được công bố cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững.
Một số khía cạnh của nền kinh tế có chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công. Diễn biến này củng cố cho kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới đây.
Vào giữa tuần, thị trường hướng sự chú ý tới cuộc họp của Fed, ở đó Chủ tịch Jerome Powell đã có bài phát biểu có phần ôn hòa về chính sách tiền tệ nhằm xoa dịu những lo ngại gần đây của thị trường. Theo đó, Fed đã giữ nguyên lãi suất điều hành, bác khả năng tăng thêm lãi suất và cho biết lạm phát mặc dù giảm chậm nhưng vẫn đang đi đúng hướng.
Sau bài phát biểu này, chỉ số USD (DXY) và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt giảm, điều này giúp giải tỏa phần nào áp lực đối với tỷ giá VNĐ trong ngắn hạn.
Thực tế, thị trường chứng kiến tuần giao dịch tương đối tích cực sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5. Trong phiên ngày 2/5, VN-Index giằng co trước khi lực cầu xuất hiện khiến chỉ số tăng hơn 6 điểm về cuối phiên.
Đà tăng của VN-Index phù hợp với đà tăng của các thị trường chứng khoán thế giới khi Fed giữ nguyên lãi suất và bác bỏ khả năng tăng lãi suất vào kỳ họp tháng Sáu.
Tuy vậy, thanh khoản thị trường vẫn còn yếu khi chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng trên cả ba sàn. Dòng tiền tập trung vào FPT tăng 3,3%, SAB tăng 4% và nhóm cổ phiếu ngành điện khi nhu cầu sử dụng điện gia tăng trong quý 1 năm 2024.
Trong phiên cơ cấu quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) vào 3/5, VN-Index vận động tương đối “êm đềm” khi đóng cửa tăng gần 5 điểm.
Đáng chú ý, MWG chính thức bị loại khỏi rổ VNDiamond trong khi BMP được thêm mới vào rổ chỉ số này.
Chốt tuần giao dịch, VN-Index tăng 0,95% lên 1,221,03 điểm. HNX tăng 0,62% lên 228,2 điểm và UPCOM tăng 1,13% lên 89,8 điểm.
Tuần qua, GVR giảm 2%; CTG giảm 1,2% và LPB giảm 3,4% gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, VCB tăng 1,4%; TCB tăng 3,4% và MSN tăng 3,9% là các nhân tố chính hỗ trợ lên đà tăng của thị trường.
Thanh khoản có xu hướng đi xuống với giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 15.670 tỷ đồng/phiên, giảm 5,4% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng 378 tỷ đồng trên cả ba sàn trong hai phiên sau dịp nghỉ lễ; trong đó, họ bán ròng 313 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 11 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 76 tỷ đồng trên UPCOM.
VnDirect cho rằng rủi ro giảm điểm đã hạ nhiệt khi các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận tăng nhẹ trong quý 1 năm 2024 và bài phát biểu ôn hòa của Chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ đã giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá VNĐ.
Kịch bản VN-Index chạm đáy thứ hai thấp hơn đáy cũ đã giảm đáng kể, mở ra kịch bản thị trường bước vào giai đoạn tích lũy với vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.170 (+/-10 điểm) trước khi hình thành xu hướng mới.
Ngược lại, ngưỡng 1.230 điểm (+/-10 điểm) sẽ là vùng kháng cự mạnh. Các chỉ số thị trường ngắn hạn chính cần được theo dõi chặt chẽ là diễn biến của DXY và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến (CSI), thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp trong phiên cuối tuần qua (giảm 28,4% so với mức trung bình 20 phiên) cho thấy giới đầu tư vẫn rất thận trọng.
Bối cảnh thị trường hồi phục tăng điểm nhưng thanh khoản thấp và đà tăng chỉ phân bổ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy động lực bứt phá là không mạnh. Do đó, xác suất cao vẫn là nhịp hồi phục kỹ thuật, chứ chưa đủ tín hiệu xác nhận xu hướng tăng điểm quay trở lại.
Hơn nữa, VN-Index phiên cuối tuần đã xuất hiện áp lực bán quanh ngưỡng 1.225 điểm của mốc kháng cự kỳ vọng 1225-1.247 điểm, củng cố thêm cho quan điểm của nhịp hồi trong xu hướng điều chỉnh.
Nhịp hồi vẫn có thể tiếp tục kéo VN-Index tiến tới mốc kháng cự quanh 1.247 điểm trong các phiên của tuần tới và tại mốc này, CSI tiếp tục duy trì quan điểm bán.
Ở chiều hướng mua mới, CSI duy trì quan điểm thận trọng, chờ đợi sự xác nhận của động lượng đến từ khối lượng hoặc kiên nhẫn chờ đợi VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.125-1.132 điểm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết phiên cuối tuần qua, thị trường tiếp tục diễn biến hồi phục và tiến vào vùng cản 1.220-1.230 điểm.
Thanh khoản tăng so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp bất chấp có hoạt động cơ cấu ETF, cho thấy nguồn cung tạm thời vẫn ở mức thấp và trong trạng thái chờ đợi, nhờ vậy thị trường vẫn còn tăng điểm với dòng tiền thấp.
Tuy nhiên, thị trường vẫn trong trạng thái thận trọng và có diễn biến “tranh chấp” khi tiến vào vùng cản 1.220-1.230 điểm. Khả năng bị cản tại vùng này vẫn hiện hữu và rủi ro lùi bước vẫn còn tiềm ẩn do dòng tiền hỗ trợ vẫn còn thấp.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng diễn biến tích cực.
Xu hướng tăng bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua
Thị trường chứng khoán Phố Wall tăng mạnh trong phiên ngày 3/5 sau khi báo cáo việc làm tháng Tư yếu hơn dự kiến đã thúc đẩy hy vọng Fed có thể sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,18% lên 38.675,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,26% lên 5.127,79 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,99% lên 16.156,33 điểm.
Tính chung tuần, chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã tăng lần lượt là 1,14% và 1,43%, còn chỉ số S&P 500 cộng thêm 0,55%.
Xu hướng tăng điểm phần lớn bao trùm thị trường chứng khoán tuần qua nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ và sau khi đón nhận thông tin về quyết định lãi suất của Fed. Cụ thể, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25-5,5%.
Hiện nay, các thị trường đang tiếp tục phân tích phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 2/5 rằng động thái chính sách tiếp theo của ngân hàng trung ương này sẽ là hạ lãi suất, sau khi giữ nguyên tại cuộc họp vừa qua.
Tuy nhiên, ông Powell lưu ý số liệu lạm phát gần đây cho thấy lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể phải chờ thêm một thời gian dài nữa./.