Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Chung thủy với nghề nghiệp và đất nước
Theo nhiều chuyên gia, nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh, trí tuệ và sự khéo léo của một người làm báo cách mạng khi tham gia hoạt động đối ngoại.
Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924-2012) được biết đến là một người cầm bút tận tụy, một tấm lòng son sắt với Đảng, với dân, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng cũng như mặt trận đấu tranh ngoại giao.
Đó là nhận định của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tại tọa đàm và trưng bày chuyên đề "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt" diễn ra ngày 1/11, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Lý Văn Sáu (5/11/1924-5/11/2024).
‘Sống với báo, chết với báo’
Theo ông Lê Quốc Minh, dù ở vị trí, công việc nào, nhà báo Lý Văn Sáu cũng dành nhiều tâm huyết, hiến dâng trọn vẹn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp báo chí cách mạng.
“Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lý Văn Sáu đã minh chứng cho phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng, một nhà báo chiến sỹ, sống và cầm bút vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân,” ông Lê Quốc Minh nói.
Nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, tên thật là Nguyễn Bá Đàn, quê ở xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An). Ông đỗ bằng tú tài toàn phần ban Triết lý tại Huế. Đây là cuộc thi tú tài cuối cùng của chế độ thực dân phong kiến được tổ chức tại Huế, ít tháng sau cuộc đảo chính của Nhật (ngày 9/3/1945).
Ngay từ khi còn đi học ở Huế, năm 1944, ông đã tham gia quyên góp gạo cứu đồng bào bị đói. Năm 1945 về quê, ông tiếp tục dạy truyền bá quốc ngữ. Tại một cuộc họp thanh niên ở huyện lỵ Yên Thành, có ông Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim về dự, ông bất ngờ được tiến cử là “Thủ lĩnh thanh niên huyện.”
Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Thanh niên cứu quốc tại thành Diên Khánh, Khánh Hòa, được tổ chức nhận ra có những năng khiếu phù hợp để làm báo, làm công tác thông tin tuyên truyền.
Năm 1947, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa kiêm Tổng biên tập Báo Thắng (nay là Báo Khánh Hòa). Sau đó, ông cùng các đồng chí ra tờ báo binh vận bằng tiếng Pháp đặt tên là “Le Trait d’Union” (Gạch nối), giúp binh lính Pháp hiểu được vì sao ta kháng chiến, vạch trần bộ mặt thực dân, kêu gọi họ phản chiến.
Từ tháng 6/1949 đến cuối năm 1953, ông đảm nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Đài Phát thanh kháng chiến “Tiếng nói miền Nam” đóng tại Liên khu V.
Theo nhận định của nhà báo Lê Quốc Minh, sinh ra trong thời kỳ đất nước đầy biến động, khi tuổi đời còn rất trẻ, người thanh niên Lý Văn Sáu đã sớm bước vào con đường báo chí đầy gian nan, thử thách.
“Được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường sôi nổi của báo chí kháng chiến, nhà báo Lý Văn Sáu đã nỗ lực vượt khó, kiên trì học tập chính trị, trau dồi chuyên môn, mài sắc ngọn bút để hoàn thành tốt mọi công việc được giao,” ông Lê Quốc Minh nói.
Sau này, chính nhà báo Lý Văn Sáu đã chiêm nghiệm: “Tôi đã đi trọn cuộc đời với nghề báo, khi ở trong nước, khi ở nước ngoài. Làm báo cách mạng, bắt đầu với tờ báo Thắng (Báo Khánh Hòa), rồi quá trình mấy chục năm làm báo ở nước ngoài, rồi lại quay về hoạt động trong nước. Làm báo từ lúc sơ khai, khi các khâu đều phải làm bằng tay, đến khi báo chí đã hiện đại. Làm từ báo viết, báo hình, đến báo nói. Nhưng tôi thấy mình chưa làm được gì nhiều. Tôi chỉ có lòng yêu nghề, chung thủy với nghề nghiệp và đất nước, con người. Sống với báo, chết với báo.”
Nhà ngoại giao ứng biến 'xuất thần'
Theo nhà báo Trần Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, năm 1954, tập kết ra miền Bắc và tiếp tục làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, tham gia phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba, trở thành cố vấn, người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, Lý Văn Sáu đã trở thành một cái tên vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế.
“Ở đó, ông đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh, tài năng, sự sáng tạo và trí thông minh, khéo léo của một người làm báo cách mạng khi tham gia hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại,” bà Trần Kim Hoa cho biết.
Đất nước thống nhất, người tự nhận mình là “sống với báo, chết với báo” ấy đã tiếp tục có nhiều đóng góp cho lĩnh vực phát thanh-truyền hình, thông tấn, cho hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba.
Nhiều đồng nghiệp cùng thời khẳng định nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu luôn nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến,” luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris từng nói: “Anh Lý Văn Sáu là một nhà báo tầm cỡ, được mọi người rất quý mến và nể phục. Anh rất sắc sảo trả lời câu hỏi hóc búa của các nhà báo quốc tế. Mặt khác, trên mặt trận đấu tranh dư luận, anh Sáu đã phát huy được sở trường, kinh nghiệm báo chí của mình, có những đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi chung.”
Tại cuộc tọa đàm, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã xúc động nói: “Anh Lý Văn Sáu sống mãi trong lòng chúng tôi, một người đồng chí, người bạn chí tình và là chiến sỹ vô cùng năng động, sáng tạo trên mặt trận tuyên truyền-báo chí và mặt trận ngoại giao.”
Nhà báo Hà Đăng nhắc lại những “pha” ứng khẩu xuất thần đã trở thành giai thoại của nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, người phát ngôn của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có câu chuyện tại một cuộc họp báo, có nhà báo Mỹ đưa ra tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận của các ông thường khoe là kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ miền Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?”
Không hề do dự, nhà báo Lý Văn Sáu trả lời: “Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông cáo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền Nam Việt Nam thì những nơi ấy là vùng giải phóng của chúng tôi.”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng nhà báo Lý Văn Sáu cùng với nhân sỹ trí thức khác khi ấy đã tạo nên một thế hệ vàng của cách mạng, ở họ có trí tuệ và đức độ, chính trị và văn hóa, bản lĩnh và sáng tạo song hành.
“Nhà báo Lý Văn Sáu đã cất lên tiếng nói sắc bén, trí tuệ của lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam. Ông đã chứng tỏ rằng truyền thông và ngoại giao phải luôn song hành, bổ trợ cho nhau và ông đã làm tốt hai nhiệm vụ đó,” bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận định./.