Nguy cơ thuế mới từ Mỹ, Trung Quốc có lý do để lo lắng
Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức 7,5% - 25% được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.
Lời cảnh báo của ông Donald Trump, người đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong việc áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc đang đặt ra những rủi ro lớn đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức 7,5% - 25% được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, trong khi nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở trạng thái dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Năm 2018, thị trường bất động sản Trung Quốc phát triển rất mạnh, thúc đẩy khoảng 1/4 hoạt động kinh tế của nước này. Trong bối cảnh đó, khả năng tài chính của chính quyền địa phương, vốn phụ thuộc rất nhiều vào việc đấu giá đất cho các dự án nhà ở, rất vững mạnh. Điều này đã giúp Trung Quốc chống chịu được cú sốc thuế quan.
Tuy nhiên, kể từ năm 2021, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã rơi vào đà suy thoái nghiêm trọng và doanh thu của chính quyền địa phương cũng giảm mạnh. Việc dư thừa nguồn cung nhà ở đồng nghĩa với việc lĩnh vực này khó có thể trở lại vị trí dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản cũng khiến chính quyền địa phương gánh chịu khoản nợ khổng lồ, ước tính lên tới 147.000 tỷ NDT (20.700 tỷ USD) vào cuối năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu tính cả nợ hộ gia đình và doanh nghiệp, con số này còn vượt quá 350.000 tỷ NDT - gấp khoảng ba lần quy mô nền kinh tế, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch hỗ trợ tài chính để kiềm chế các khoản nợ, gánh nặng nợ nần này vẫn rất lớn, hạn chế khả năng ứng phó của Trung Quốc trước bất kỳ cú sốc tăng trưởng nào từ bên ngoài.
Nhu cầu nội địa yếu cũng là một vấn đề nan giải. Tiền lương và lương hưu thấp, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém khiến chi tiêu hộ gia đình của Trung Quốc ở dưới mức 40% GDP, thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức trung bình toàn cầu.
Việc thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình đòi hỏi phải tăng nợ hoặc cải tổ cách phân phối thu nhập quốc dân, để người dân được hưởng lợi nhiều hơn so với chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có thể đạt được bằng cách thay đổi cách thức đánh thuế doanh nghiệp và hộ gia đình, cách chính phủ chi tiêu, tăng phúc lợi hưu trí, y tế và thất nghiệp, cùng với các cải cách khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc lại tập trung vào việc nâng cấp lĩnh vực sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu. Điều này giúp Trung Quốc đạt được những thành công đáng kể trong lĩnh vực xe điện, năng lượng Mặt Trời và pin. Nhưng đồng thời nó cũng dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế ở Mỹ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi khác. Trung Quốc có thể thúc đẩy doanh số xuất khẩu ở những lĩnh vực mà nước này có khả năng cạnh tranh cao, nhưng lại không thể kiểm soát được nhu cầu bên ngoài.
Bên cạnh đó, áp lực giảm phát đang gia tăng do khủng hoảng bất động sản, nợ nần chồng chất và tiêu dùng yếu. Chính sách của Trung Quốc trong việc chuyển hướng nguồn lực từ thị trường bất động sản sang lĩnh vực sản xuất, thay vì người tiêu dùng, đã dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp, từ đó gây ra giảm phát giá sản xuất.
Vào tháng 7/2018, khi các mức thuế đầu tiên mà ông Trump ban hành có hiệu lực, lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc là 4,6%, nhưng đã giảm xuống mức âm 2,8% vào tháng 9/2024. Cũng trong giai đoạn này, lạm phát giá tiêu dùng giảm từ 2,1% xuống 0,4%. Tình trạng giảm phát còn có thể trở nên tồi tệ hơn nếu thuế quan làm giảm nhu cầu bên ngoài, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, khả năng giảm giá đồng NDT cũng bị hạn chế. Trong giai đoạn từ đầu năm 2018 - khi Mỹ báo hiệu kế hoạch đánh thuế Trung Quốc - đến cuối năm 2019, đồng NDT đã giảm khoảng 10% so với đồng USD. Trong khi đó, theo các nhà phân tích của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, các biện pháp hạn chế của Mỹ đã khiến thuế suất thực tế đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng thêm 2,4 điểm phần trăm. Như vậy, điều đó có nghĩa là sự mất giá của đồng NDT đã triệt tiêu tác động của thuế quan.
Lần này, đồng NDT có thể phải giảm 18% so với đồng USD mới có thể bù đắp hoàn toàn mức thuế 60% của Mỹ, có nghĩa là tỷ giá sẽ ở mức 8,5 NDT đổi 1 USD, mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990. Tuy nhiên, do lo ngại về tình trạng dòng vốn thoái lui khỏi nước này, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn đồng NDT giảm xuống dưới mức 7,3 NDT đổi 1 USD vào đầu năm nay. Vì thế, khả năng đồng NDT mất giá đủ để bù đắp hoàn toàn tác động của thuế quan lần này là rất thấp.
Cuối cùng, trước đây, Trung Quốc được hưởng nhiều yếu tố thuận lợi khác. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ đã tung ra hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế, bao gồm cả tiền mặt cho người tiêu dùng, một phần trong số đó được chi cho hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine, Nga đã bị loại khỏi nhiều thị trường phương Tây, buộc nước này phải tìm nguồn cung ứng nhiều hàng hóa hơn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những cơ hội bất ngờ này khó có thể lặp lại với Trung Quốc trong lần này.
Tất cả những yếu tố nói trên khiến nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ áp thuế mới từ Mỹ./.