Nguy cơ thiết hụt nguồn cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc trong khu vực này sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn (khoảng 54 triệu m3) và chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo số 4886/BC-BGTVT gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 62/2002/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đáng chú ý tại báo cáo này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra nguy cơ thiết hụt nguồn cát cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), sau khi triển khai các giải pháp, áp dụng các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép đã giải quyết cơ bản nhu cầu vật liệu.

[Thiếu cát đắp nền đường, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau gặp khó về tiến độ]

Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, ngay từ bước lập dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn tiến hành 1 khảo sát, đánh giá trữ lượng, công suất, chất lượng cũng như cự ly vận chuyển của các mỏ vật liệu đảm bảo yêu cầu để cung cấp cho các dự án.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai khai thác nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.

Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải thông tin trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc trong khu vực này sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn (khoảng 54 triệu m3) và chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các địa phương trong khu vực rà soát đánh giá nguồn cung, phân bổ cho các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Với hai dự án thành phần cao tốc phía Đông đoạn thành phố Cần Thơ-Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,07 triệu m3, hiện vẫn đang gặp khó khăn về nguồn cung.

Nhà thầu thi công cao tốc. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất việc cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án, đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 3 triệu m3 cho cả hai dự án thành phần.

Liên quan đến về việc sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án, theo khảo sát về nguồn, trữ lượng, thì đối với các mỏ đang khai thác, hiện nay tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với trữ lượng còn lại khoảng 1,144 triệu m3, công suất khai thác là 0,4 triệu m3/năm.

Đối với các mỏ quy hoạch, hiện có 3 vị trí mỏ quy hoạch với trữ lượng khoảng hơn 13,9 tỷ m3 (tỉnh Trà Vinh có 2 vị trí với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn khoảng 13,9 tỷ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40km).

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và tiến hành triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ câp quốc gia “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường,” hiện đã triển khai các thí nghiệm trong phòng và chuẩn bị triển khai thi công thí điểm ngoài thực địa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã triến khai Dự án “Đánh giá tài nguyên khoảng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hệ thống giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trên phạm vi khu vực biển nằm cách bờ (đất liền) chủ yếu từ 10-25km, độ sâu từ 10-30m.

Kết quả thực hiện dự án sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp đang khan hiếm hiện nay.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã kịp thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai việc nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu nền đường sử dụng cho công trình giao thông với sự tham gia của các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chuyên gia.

Kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.

Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai ngoài hiện trường (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc Dự án thành phần Hậu Giang-Cà Mau), dự kiến hoàn thành công tác thi công trong tháng 5/2023, tiến hành quan trắc đến tháng 11/2023, dự kiến có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

“Như vậy, phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án; vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông,” Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang, cho biết để dự án đạt tiến độ theo hợp đồng, ngoài mặt bằng thi công, khâu giải quyết nguồn cung vật liệu cát đắp nền đường là yêu cầu ưu tiên số một.

Vì nếu không có nguồn cát đắp thì không thể thi công xử lý nền đất yếu trên tuyến, kéo theo đó là thời gian gia tải... sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu.

Vì vậy, ngay khi được chọn làm nhà thầu thi công dự án, nhà thầu này đã cùng chủ đầu tư làm việc với các địa phương dự án đi qua về nguồn cung cấp cát cho dự án.

Tuy nhiên trữ lượng tại các mỏ trong quy hoạch đang khai thác không đảm bảo đủ nhu cầu dự án.

"Nhu cầu cát phục vụ thi công rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm mới hoàn thành được dự án. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ mới, nâng công suất khai thác, nhà thầu đã chủ động mua cát từ các mỏ đang khai thác nhưng việc cung ứng ở mức độ rất hạn chế," đại diện nhà thầu Trường Sơn chia sẻ.

Còn đại diện Ban điều hành gói thầu XL02 cao tốc Hậu Giang-Cần Thơ thông tin khối lượng cát cần đắp đường cho riêng gói XL02 là 3,1 triệu m3, tuy nhiên đến đến thời điểm này lượng cát được cấp cho dự án chưa nhiều.

Vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết nếu không tiến độ dự án bị ảnh hưởng rất lớn./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)