Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhà làm, thực phẩm bán online chưa thể kiểm soát...
Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm, hạn chế thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường nhưng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu.
Đây là thông tin được chia sẻ trong Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “An toàn thực phẩm - Sức khỏe cộng đồng” do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/10.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh hơn 12 triệu dân đang cư trú trên địa bàn, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh đón thêm 40 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước gây áp lực lớn đối với công tác quản lý, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, Thành phố cần 10.000 tấn lương thực thực phẩm các loại.
Thành phố hiện có 3 chợ đầu mối, 224 chợ truyền thống, 97 siêu thị, trên 2.600 cửa hàng tiện lợi và hàng ngàn kênh mua sắm trực tuyến đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.
Mặc dù các sở, ngành, chính quyền địa phương đã có những nỗ lực kiểm soát nhưng nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn luôn hiện hữu. Nguyên nhân được cho là Thành phố có quy mô dân số lớn và nhu cầu thực phẩm cao khiến việc kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn và nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh hệ thống siêu thị, chợ truyền thống thì hiện trên địa bàn có hàng trăm chợ tự phát trong khu dân cư, ăn theo chợ truyền thống, thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhà làm, thực phẩm bán online chưa thể kiểm soát...
Cử tri Nguyễn Hồng Hạnh, tiểu thương Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn phản ánh, lâu nay tồn tại tình trạng các hộ kinh doanh thực phẩm buôn bán tự phát xung quanh khu vực chợ đầu mối khiến cho hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong chợ bị ảnh hưởng kèm theo nguy cơ mất an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.
Phản hồi phản ánh này, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn cho biết, trong những năm qua, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này nhưng vẫn chưa thể xử lý rốt ráo bởi vị trí chợ đầu mối Hóc Môn nằm trong khu dân cư, nhiều người dân sinh sống tại đây đã kết hợp kinh doanh khiến cho việc xử lý khó khăn.
Ủy ban Nhân dân huyện đã thành lập các chốt trực gác 24/24, thường xuyên kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã xử phạt 1.160 trường hợp vi phạm. Hiện huyện Hóc Môn đang có kế hoạch di dời chợ đầu mối sang khu vực khác với quy mô hơn 100ha, nằm biệt lập với khu dân cư nhằm giải quyết tình trạng ăn theo chợ đầu mối lâu nay và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cử tri Võ Thị Ngọc Nữ băn khoăn về công tác đảm bảo an toàn bữa ăn cho công nhân, cử tri mong muốn được biết Thành phố đang quản lý việc cung cấp suất ăn cho công nhân như thế nào.
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết, hàng năm đơn vị này luôn yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức đối thoại về chất lượng bữa ăn cho công nhân; đưa giá, chất lượng suất ăn vào thỏa ước tập thể.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng thường xuyên rà soát giá suất ăn của các doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp tăng giá suất ăn nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Song song đó, HEPZA cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thực phẩm giá cả phù hợp, an toàn; đưa hàng bình ổn đến với các bếp ăn tập thể, kết nối các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm với bếp ăn tập thể nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn có gần 3.000 cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp. Hàng năm, Sở An toàn thực phẩm phối hợp các đơn vị thường xuyên kiểm tra các cơ sở này về quy trình chế biến, nguồn gốc thực phẩm, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các đơn vị.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra 56 cơ sở, xử phạt 3 trường hợp vi phạm với số tiền 24 triệu đồng. “Số lượng các cơ sở vi phạm ít chứng tỏ các cơ sở cung cấp suất ăn đang làm việc nghiêm túc, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm,” bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
Về ý kiến của cử tri trong công tác quản lý thực phẩm bán online, các sàn giao dịch thương mại điện tử, người đứng đầu Sở An toàn thực phẩm thừa nhận, đây là thách thức cho cơ quan quản lý.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, dù mua thực phẩm bằng hình thức nào thì mỗi người dân nên là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn kỹ càng, cẩn thận, chọn các cơ sở uy tín, nói không với thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ khi lựa chọn thực phẩm cho bản thân và gia đình.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân là trách nhiệm của chính quyền Thành phố. Do đó, Thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan cần có những giải pháp mạnh mẽ trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đối với các vấn đề cử tri đặt ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin được tiếp thu và sẽ có những chỉ đạo giải quyết. Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động an toàn thực phẩm, xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm, cổng trường an toàn, thức ăn đường phố an toàn, bếp ăn an toàn... để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua các bữa ăn an toàn./.