Nguồn vốn chính sách làm lại cuộc đời của những người từng lầm lỡ

Chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong mãn hạn tù như vòng tay ấm áp dang rộng đón những người lầm lỡ trở lại hòa nhập cộng đồng, họ có thể vay để học nghề, để tạo sinh kế cho tương lai...

Vợ chồng ông Hoàng Hữu Hiện rất vui khi đến Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lệ Thủy nhận 100 triệu đồng vốn vay để đầu tư nuôi lợn rừng, lợn nái. (Ảnh: Vietnam+)

Bắt đầu từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội lên đến 100 triệu đồng/người. Đây được xem là cánh cửa để mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Cụ thể, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Người chấp hành xong án phạt tù cần, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được công an cấp xã lập danh sách và được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận. Còn với cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận, có thể vay lên đến 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

[Vốn vay chính sách giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời]

Quyết định cũng nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn. Mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ...

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện khẩn trương phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời.

Đây là một chính sách hết sức nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, được xem là cánh cửa mở ra một cuộc đời mới cho những đối tượng lầm đường, lỡ bước, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập với cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Để tiếp sức cho người hoàn lương phát triển kinh tế cũng như thực hiện tốt Quyết định này, chúng tôi đã chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, niêm yết công khai thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã, đồng thời triển khai đầy đủ các nội dung của Quyết định tại các cuộc họp giao ban đến hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, trưởng ấp, khu vực, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân đến giao dịch được biết. Qua đó, rà soát các đối tượng còn lại có nhu cầu, đủ điều kiện để cho vay kịp thời nhằm giúp họ có được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm và có thu nhập tốt hơn trong thời gian tái hòa nhập cộng đồng.

Có mặt tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy từ khá sớm, ông Lê Văn Bình ở xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình và ông Trần Văn Định xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình không giấu nổi xúc động khi hôm nay đến trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy để nhận vốn vay.

Vợ chồng ông Lê Văn Bình ở xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thủy vui mừng khoe với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Công an xã khi nhận được 100 triệu đồng tiền vay về mua ngay ngư lưới cụ, phục vụ đánh bắt hải sản. (Ảnh: Vietnam+)

“Chúng tôi đã lầm lỡ khi theo các đối tượng quá khích gây rối trong vụ việc Formosa cách đây không lâu, chúng tôi đã phải trả giá cho những lỗi lầm của mình... Tôi cũng không ngờ Đảng, Nhà nước và chính quyền nơi đây vẫn quan tâm đến những người lầm lạc này. Chúng tôi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy và Hội Nông dân tạo điều kiện cho chúng tôi được vay vốn, với số tiền này chúng tôi có thể mua ngư, lưới cụ để ra khơi đánh bắt con cá, con tôm… với mỗi chuyến ra khơi chúng tôi sẽ thu được từ 1-3 triệu đồng,” ông Lê Văn Bình chia sẻ.

Cùng chung niềm vui sướng, ông Hoàng Hữu Hiện ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình khi vợ chồng ông vừa nhận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy về tới nhà. Ông là một trong những người đầu tiên được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng.

“Có vốn tôi sẽ thả thêm lợn rừng, nuôi thêm lợn nái, lợn ở đây bán chạy lắm có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Không có vốn làm gì cũng khó, nhiều người thấy chúng tôi mới ‘có án’ họ ngại không dám cho vay mô nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội lại cho chúng tôi vay lãi suất thấp, thật không biết cảm ơn thế nào nữa…” ông Hiện ngậm ngùi chia sẻ.

Có thể nói, chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong mãn hạn tù được Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện như vòng tay ấm áp dang rộng để đón những người lầm lỡ trở lại hòa nhập cộng đồng, họ có thể vay để học nghề, vay để tạo sinh kế, vay để phát triển kinh doanh và khuyến khích các doanh nghiệp đón nhận những người mãn hạn tù vào làm việc.

Tại tỉnh Quảng Bình đến nay đã có 12 người chấp hành xong án tù được giải ngân với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngân hàng hiện vẫn đang phối hợp với cơ quan công an, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tiếp tục rà soát, nắm bắt và tìm hiểu nhu cầu vay vốn của đối tượng này.

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, Trần Văn Tài chia sẻ, theo khảo sát thì giai đoạn 2024-2026 tỉnh Quảng Bình có hơn 1.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đang xây dựng đề án nguồn vốn để đảm bảo trong thời gian tới đáp ứng đủ nhu cầu của đối tượng này./.

Trần Hải Hòa (Vietnam+)