Người tiêu dùng đối mặt với giá càphê tăng cao

Phiên giao dịch ngày 10/12, giá càphê Arabica, loại càphê phổ biến nhất trên thế giới, đã vượt mức 3,44 USD/pound (1 pound =0,454 kg), tăng hơn 80% từ đầu năm đến nay.

Càphê Arabica. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giá một cốc càphê buổi sáng của người tiêu dùng có thể đắt hơn trong năm tới khi giá càphê trên các thị trường hàng hóa quốc tế tăng lên mức cao kỷ lục.

Phiên giao dịch 10/12, giá càphê Arabica, loại càphê phổ biến nhất trên thế giới, đã vượt mức 3,44 USD/pound (1 pound =0,454 kg), tăng hơn 80% từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, giá càphê Robusta, loại càphê rẻ hơn và được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan, đã tăng gấp đôi trong năm nay, chạm mức 5.694 USD/tấn vào cuối tháng 11.

Sức ép về giá cả diễn ra sau dự đoán về sự sụt giảm sản lượng càphê trong năm nay, khi các nhà sản xuất lớn nhất thế giới như Brazil và Việt Nam, đều đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ càphê của người tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng.

Tháng trước, Nestlé, công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Nescafé và Nespresso, thông báo sẽ tiếp tục tăng giá và giảm kích thước bao bì để bù đắp cho chi phí càphê tăng cao.

Theo báo cáo từ tạp chí thương mại The Grocer, giá càphê hòa tan Nescafé Original đã tăng 15% so với năm ngoái tại các siêu thị tại Anh.

Nestlé cho biết giống như mọi nhà sản xuất khác, chi phí càphê đã tăng đáng kể, khiến việc sản xuất sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Trong mùa Hè, công ty càphê Italy Lavazza cảnh báo rằng giá càphê sẽ vẫn "rất cao" và khó có thể giảm cho đến giữa năm 2025, do chuỗi cung ứng đang chịu áp lực nặng nề.

Ông Giuseppe Lavazza, Chủ tịch Lavazza, cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến xu hướng tăng giá mạnh mẽ như hiện nay và chuỗi cung ứng càphê đang chịu áp lực nặng nề.

Mức giá cao kỷ lục trước đây của càphê được thiết lập vào năm 1977, khi tuyết rơi tàn phá các đồn điền càphê ở Brazil. Năm nay, nhà sản xuất càphê Arabica lớn nhất thế giới này đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm vào tháng 8 và tháng 9, tiếp theo là mưa lớn vào tháng 10. Điều này đã gây ra lo ngại rằng sản lượng cà phê năm nay sẽ sụt giảm.

Không chỉ các đồn điền càphê ở Brazil chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Việc cung cấp càphê Robusta cũng dự kiến sẽ giảm khi các đồn điền ở Việt Nam, quốc gia sản xuất loại cà phê robusta lớn nhất, đối mặt với hạn hán và mưa lớn.

Tuy nhiên, trả lời The Grocer, ông Will Corby, Giám đốc công ty đăng ký Pact Coffee, cho rằng các quốc gia sản xuất đã bán càphê cho các nước phương Tây quá rẻ trong một thời gian quá dài.

Các công ty càphê lớn có thể coi những mức giá cao này là tin xấu, nhưng trên thực tế nông dân cuối cùng cũng đã được trả một mức giá đủ để đảm bảo cuộc sống./.